Theo người dân, tình trạng sạt lở đã kéo dài nhiều năm nay và nguyên nhân là do nước lòng hồ thủy điện Nậm Na 2 dâng lên, cộng với hoạt động khai thác cát trên sông gây ra. Thế nhưng, dù người dân đã kêu cứu nhiều lần, nhưng "quả bóng trách nhiệm" vẫn được chính quyền địa phương và doanh nghiệp đá cho nhau, khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Ngồi thất thần bên bờ sông, nơi còn sót lại vạt nương nhỏ và cái ao đã ngập, chị Hồ Thị Mý, ở thôn Thèn Nưa, thị trấn Phong Thổ, rơm rớm nước mắt. Nhiều năm nay, kinh tế gia đình phụ thuộc vào hơn 2ha nương ngô, cây trồng ngắn ngày và nuôi cá. Nhưng cùng với hoạt động khai thác cát, cộng thêm khi thủy điện Nậm Na 2 đưa vào vận hành, nước đã dâng lên làm sạt lở và xâm lấn gần hết đất nương, khiến gia đình mất gần hết đất sản xuất. Giờ thì ruộng nương và ao không còn, không biết lấy tiền đâu để sống và nuôi con ăn học.
"Nhà tôi làm nương từ năm 1994 đến bây giờ. Từ ngày Tập đoàn Hưng Hải làm thủy điện này lên, đất nương nhà tôi sạt lở rất nhiều. Gia đình tôi làm đơn gửi sang thị trấn và thị trấn bảo cũng đã gửi lên Tập đoàn Hưng Hải nhưng chẳng thấy nói năng gì".
Không chỉ riêng nhà chị Mý bị mất ruộng nương, tài sản do sạt lở bờ sông Nậm Na, mà đến nay hàng chục hộ khác ở ba thôn tái định cư Thèn Nưa, Thèn Chồ và Chiềng Na, thị trấn Phong Thổ, cũng trong trường hợp tương tự. Hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều năm nay đã nhấn chìm nhiều nương ngô, ruộng lúa của bà con. Mất đất, mất tư liệu sản xuất, kế sinh nhai của bà con bị cắt, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Sạt lở ở Phong Thổ. Ảnh: baolaichau
Ông Màng Văn Thuận, ở thôn Thèn Chồ, thị trấn Phong Thổ, bức xúc: "Trước đây họ không đền bù và bảo là nước của thủy điện vẫn chưa ngập đến đấy, nhưng bây giờ thực tế lại ngập. Tôi có điện cho bên phía thủy điện thì họ nói cái này liên quan đến thị trấn, phải vào UBND thị trấn làm đơn. Ra đến thị trấn thì thị trấn bảo cái này là việc của bên thủy điện".
Bị thiệt hại, bà con đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi đến chính quyền địa phương và đơn vị quản lý vận hành thủy điện, mong sớm được hỗ trợ đền bù để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, những kiến nghị, kêu cứu của người dân bị chìm dần theo thời gian. Bà con cho rằng công tác khảo sát, kiểm đếm, đền bù trong khu vực lòng hồ thủy điện trước đây đã có nhiều bất cập, cả chủ đầu tư và chính quyền dường như thờ ơ với quyền lợi của người dân và làm theo kiểu được chăng hay chớ.
Ông Màng Văn Định, Trưởng thôn Thèn Chồ, cho biết: "Nước thủy điện Nâm Na 2 dâng làm ảnh hưởng rất lớn đến các thôn Thèn Nưa, Thèn Chồ và Chiềng Na. Nhiều hộ dân ở thôn Thèn Nưa bị mất ruộng nương, và hiện tại vẫn đang bị xói mòn. Một phần diện tích của đất ruộng đang sạt lở. Bà con kiến nghị lên cấp trên rồi, nhưng mà đến bây giờ vẫn chưa thấy khắc phục".
Đề cập vấn đề vì sao những kiến nghị của người dân chậm được giải quyết, ông Đèo Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ, cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, thị trấn đã cử người đến xác minh hiện trường, đồng thời đã 3 lần gửi công văn đến Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải và Công ty Cổ phần quản lý vận hành Thủy điện Tây Bắc đề nghị giải quyết cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Thừa nhận việc sạt lở bờ sông Nậm Na, làm thiệt hại tài sản, nhà cửa và ruộng nương của người dân tái định cư tại các thôn Thèn Nưa, Thèn Chồ và Chiềng Na thời gian qua là có, tuy nhiên theo đại diện đơn vị chủ đầu tư thủy điện Nậm Na 2, nguyên nhân một phần là tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông. Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải, cho biết đơn vị chủ đầu tư là Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải chưa nhận được đơn đề nghị của dân và công văn của UBND thị trấn Phong Thổ về vấn đề này.
Người dân tái định cư thủy điện Sơn La tại các thôn Thèn Nưa, Thèn Chồ và Chiềng Na đang đứng ngồi không yên vì ruộng nương bị sạt lở và nhà cửa bị đe dọa. Mất đất sản xuất, mất việc làm, nguy cơ tái nghèo của đồng bào đang hiện hữu
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận