Vùng lũ Mường La: Đảng viên đi trước, dân bản theo sau
Thứ ba, 00:00, 24/10/2017
VOV4.VN - Trận lũ lớn nhất trong vòng 70 năm qua xảy ra vào đầu tháng 8 tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nhiều bản làng bị xóa sạch, bao gia đình lâm vào cảnh người còn người mất, màn trời chiếu đất. Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng trăm hộ dân nơi rốn lũ Mường La đã có nhà ở, đất sản xuất, con em được đến trường. Một dòng chảy nhân ái từ Chính phủ, các bộ ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước đã chảy về vùng lũ.


3/8/2017, một ngày buồn đau. Đêm ấy, “mẹ thiên nhiên” nổi giận. Mưa lớn sầm sập, mọi người đang chìm trong giấc ngủ bỗng choàng tỉnh bởi lời thúc giục từ những tiếng loa cầm tay của trưởng bản, bí thư chi bộ. Dự cảm về một điều chẳng lành, bà con chạy nhanh về hướng núi. Bỗng đất trời rung chuyển, lũ kinh hoàng ập tới, quét, cuốn tất thảy mọi thứ trong cơn cuồng nộ…

Sau cơn lũ, cả một vùng từ thị trấn Ít Ong đến trung tâm xã Nậm Păm dài gần 10km là một dòng sông đá tảng nhức mắt, có chỗ rộng tới 300m. Con suối Nậm Păm hiền hòa và gần 10 km đường nhựa uốn lượn đã không còn dấu vết. Một thành viên trong đoàn cứu trợ của một tổ chức quốc tế đến đây đã đề nghị: Nên giữ nguyên hiện trạng này để làm bảo tàng thiên nhiên thế giới về thảm họa thiên tai!

Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng sau trận lũ quét

Trận lũ đã gây ra những mất mát quá lớn, với 15 người chết và mất tích, gần 400 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nặng, 2.500 con gia súc bị lũ cuốn trôi, hơn 80km đường, cùng hàng trăm héc ta cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng, ước tổng thiệt hại về kinh tế trên 700 tỷ đồng...

Nhìn dòng suối lũ Nậm Păm cuồn cuộn chảy, những ngôi nhà chỉ còn trơ lại bức tường nham nhở, từng đoạn bờ kè bị nước lũ khoét sâu cả chục mét, rồi những chiếc ô tô trị giá bạc tỷ đồng bị vò nát dưới dòng nước lũ, những người chúng tôi gặp bên “dòng sông đá” hoang tàn này giọng nói vẫn chưa hết bàng hoàng: "kinh khủng hơn cả bom thời chiến tranh rồi".

Ngay khi lũ quét xảy ra, từ sáng sớm, lãnh đạo tỉnh, huyện đã có mặt, huy động nhiều lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Hai Sở chỉ huy đã được thành lập ngay tại khu vực xảy ra lũ để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Trên 2.500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, viên chức và người dân địa phương đã tham gia cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển hàng hóa cứu trợ và di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Vận chuyển hàng hóa cứu trợ và di dời các hộ dân đến nơi an toàn

Bí thư Huyện ủy Mường La Nguyễn Thành Công, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, đã đi bộ cả ngày trời vào tâm lũ. Những chiếc lán tạm được dựng lên; gạo, mì tôm, quần áo cùng những đồ dùng thiết yếu được vận động đưa tới; những nhà bị sạt lở hay đang ở trong vùng nguy hiểm sạt lở nhanh chóng được sửa chữa, di dời đến nơi ở tạm an toàn…

Ít ngày sau lũ, từ chủ trương của tỉnh, huyện Mường La đã khẩn trương dựng những căn nhà lắp ghép để ổn định nơi ở trước mắt cho người dân; tạo sinh kế để người dân ổn định cuộc sống lâu dài. Đến nay, gần 150 héc ta cây ăn quả đã được trồng theo chủ trương của tỉnh; hơn 200 héc ta đất ở Nậm Păm đang được rà soát, chia lại, đảm bảo hộ nào cũng có đất sản xuất, có thu nhập…

Theo Bí thư Huyện ủy Mường La, nếu không có sự lãnh đạo xuyên suốt của cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, không có sự tiên phong gương mẫu của từng đảng viên thì không thể có được kết quả như thế: "Vai trò lãnh đạo đảng ủy Nậm Păm, đảng ủy thị trấn và trực tiếp là vai trò lãnh đạo hạt nhân của các bí thư chi bộ bản rất là tốt. Ví dụ như Bí thư đảng ủy và Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Nậm Păm, khi huyện và tỉnh có chủ trương lập 6 điểm tái định cư thì Bí thư đảng ủy xã cùng với Chủ tịch xã, Bí thư chi bộ bản Hốc họp đến 3 giờ sáng nhân dân mới nhất trí, thì 6 giờ thông báo với huyện và đến 7 giờ tiến hành làm".

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất là một trong những lãnh đạo tỉnh có mặt tại tâm lũ từ rất sớm. Sơn La quyết định xuất 130 tỷ quỹ dự phòng của tỉnh giao cho Mường La thực hiện các dự án khẩn cấp. Tiếp đó là ban hành chủ trương làm ngay nhà lắp ghép, trồng cây ăn quả để đảm bảo cuộc sống người dân. Cứ 10 ngày, Bí thư Tỉnh ủy lại về huyện để kiểm tra tiến độ triển khai công tác khắc phục và bàn các giải pháp khắc phục sao cho nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ngay sau lũ, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã họp 4 lần, ra 4 thông báo kết luận của Ban Thường vụ, đề ra 16 nhiệm vụ trọng tâm cho huyện Mường La phải thực hiện…Tất cả những sự quan tâm đó đã giúp bà con vùng lũ Mường La vượt lên, ổn định cuộc sống sau lũ...

2 tháng sau lũ, những dấu hiệu hồi sinh đang hiện hữu nơi rốn lũ Mường La, khi cây trồng bén rễ, từng mầm xanh vươn mình; những nếp nhà mới được dựng lên, tiếng trẻ bi bô trong các lớp học mới toanh…

Mường La trước khi xảy ra cơn lũ quét, có nhiều người dân vẫn đang khiếu kiện đòi bồi thường di dân tái định cư  do làm Nhà máy thủy điện Sơn La. Nhưng sau cơn lũ, nhân dân các bản lại chủ động hiến hơn 60 héc ta đất để lập các điểm tái định cư, xây dựng trạm y tế, làm đường giao thông…

Đúng như lời ông Lù Văn Hùng, đảng viên bản Hốc chia sẻ, vai trò tiên phong của người đảng viên, cùng sự quan tâm sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; sự sẻ chia, đùm bọc của đồng bào cả nước đã giúp người dân ở vùng lũ Mường La tin vào cán bộ, làm theo cán bộ, vượt lên đau thương và hồi sinh.

 

 

 

Tuyết Lan,Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

 


Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC