Yên Bái tính toán bố trí lại khu dân cư an toàn cho dân
Thứ sáu, 00:00, 18/08/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Nếu tính cả những mùa mưa trước, thiệt hại của Yên Bái không thể đo đếm được. Vì sao mà những con số đau thương cứ tiếp tục chất chồng? Và từ thực tế tỉnh Yên Bái, giải pháp nào để nâng chỉ số an toàn lên cho người dân ở các địa phương vùng cao, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai?
    • Yên Bái- nỗi đau sau lũ

     

    Chỉ trong một đêm, vợ chồng anh Giàng A Mùa và chị Mùa Thị Sua, ở bản Kháo Giống, mất liền hai đứa con trai: đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ mới lên 8. Thi thể một đứa tìm thấy sau 3 ngày, trôi dạt mãi tận Thủy điện Huồi Quảng – Bản Chát (thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Còn một đứa nữa, chị Sua khóc cạn cả nước mắt 10 ngày nay vẫn không thấy một dấu tích nào.

    Giờ chị chỉ biết tự đấm vào ngực mình mà hối hận, khi hôm đó đã không nhất quyết giữ con ở lại nhà: "Mọi đêm hai đứa đi chăn trâu trên núi vẫn ngủ lại qua đêm ở lán nương. Hôm ấy chưa bao giờ thấy mưa to thế, mình bảo nó ở nhà thôi, nó vẫn cứ rủ nhau đi. Mình nghĩ như mọi lần cũng không có chuyện gì. Thế mà đêm mưa to lên, to mãi, sốt ruột sáng sớm ra cả nhà kéo nhau lên nương thì lũ dữ từ con suối Háng Gàng ập xuống đã cuốn trôi cả lán mất rồi, mình không bao giờ gặp lại con nữa…".

    Chủ quan trước thiên tai, đến khi lũ ập về thì không kịp cứu người, nhà cửa cũng tan hoang, hàng chục gia đình trong phút chốc trắng tay. Riêng xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, đã bị cơn lũ ác cướp đi 7 sinh mạng. Đến nay mới tìm được 4 người. Có gần chục ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn.

    Sau trận mưa to rạng sáng 3/8, taluy dương sập xuống vùi lấp hoàn toàn ngôi nhà của anh Hảng Rùa Vàng. Vấn đề là: khi xã vận động nhà anh thuộc diện khẩn cấp phải di dời, anh cứ nấn ná vì tiếc nhà tiếc của. Nay thì trắng tay, dù vẫn giữ được mạng sống:

    "Nhà em 4 con trâu trong nhà bị cuốn hết, xã bảo nhà em thuộc diện khẩn cấp phải di dời. Nhà em bị cuốn hết khoảng 3-5000m2 ruộng, dự tính thời gian tới khai hoang đất ruộng ấy, bây giờ không làm được. Trâu mất hết, chẳng còn gì, một con trâu trưởng thành ít nhất 30 triệu trở lên, hai con nhỏ kia phải 15 triệu".

    Theo các cụ trong làng, nếu như năm 1977, lũ về Mù Cang Chải và Kim Nọi chỉ là nước dâng, quét mạnh theo khe, thì nay lũ về bất ngờ, quét từ mọi hướng.

    Ngay cả chính quyền xã Kim Nọi cũng không tưởng tượng được độ tàn phá khốc liệt của cơn lũ. Ông Hờ A Hừ, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Huyện Mù Cang Chải, này các cụ kể cách đây 100 năm chưa có trận lũ nào như trận này. Chúng tôi chỉ xem dự báo thời tiết cảnh báo chung chung thôi chứ chưa cụ thể chỗ nào nên chúng tôi không biết.

     

    • Khắc phục sau lũ quét

     

    Xã Kim Nọi nằm cheo leo trên triền núi nhưng có tới 3 khe suối vây quanh. Suối Háng Chú chảy xuống tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải. Suối Kháo Giống chảy về Thủy điện Khao Mang. Suối Háng Gàng đổ về Thủy điện Huồi Quảng – Bản Chát. 100% dân số bám rừng, làm ruộng. Không thể bảo bà con dời đi mà không bố trí cho họ vùng tái định cư.

    Trong khi đó, việc khó nhất hiện nay là làm thế nào để có được đất nền nhà cho cả 18 hộ (gồm 6 hộ bị cuốn trôi nhà, 12 hộ khác nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời), khi quỹ đất không đủ để sắp xếp hết dân cư.

    Nhà vẫn còn, nhưng gia đình anh Mùa A Anh, ở tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, vẫn lo đứng lo ngồi khi căn nhà dốc xuống, chực đổ sập bất cứ lúc nào. Anh đang chạy đôn chạy đáo tìm nơi ở mới, nhưng tiền không có để mua nền nhà, mà xã cũng chẳng còn quỹ đất mà mua:

    "Rất lo, ban đêm mưa về không ngủ được, phải dậy để phòng, lúc nào mưa quá to phải dậy sang nhà các anh em ở tạm, bây giờ tính đến di dời mua mảnh đất để làm cái nền nhà cũng mất 50- 60 triệu, xã chỉ cấp 15 triệu để di dời cái nhà cũ. Mong muốn em bây giờ chỉ mong các nhà tài trợ ủng hộ cho em cái nền nhà, đường điện nước cũng rất khó đến, đất lún hết, mưa thì không thể ở trong nhà".

    Không chỉ các hộ dân, mà các nhà trường cũng đối mặt với khó khăn khi các tuyến đường bị chia cắt, sạt lở. Thầy Lê Văn Long, Phó hiệu trưởng trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Kim Nọi, cho biết, cầu bê tông nối bản Kháo Giống và bản La Phu Khơ bị trôi hoàn toàn, nghĩa là việc huy động 100 em học sinh ở hai bản đó về học cho kịp ngày khai giảng gần như không thể.

    Đường ống dẫn nước khoảng 6km dùng chung với bà con trong bản giờ hỏng hết, nếu huy động trên 250 học sinh bán trú ra lớp thì không đủ nước để sinh hoạt hàng ngày.

    Sau trận lũ quét, nhiều hộ dân sống gần khe, suối, các khu vực núi có nguy cơ sạt lở cao đã được di dời, trong đó huyện Mù Cang Chải có 73 hộ. Tuy nhiên, khi công tác khắc phục hậu quả chưa xong thì những căn nhà tại đây lại xuất hiện tình trạng lún, nứt, gây nguy hiểm trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân.

    Phương án đưa ra là quy hoạch lại các khu dân cư, bố trí khu tái định cư lâu dài, an toàn cho bà con.

    Trận lũ kinh hoàng ập xuống thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, khiến 14 người chết và mất tích, 9 người bị thương; 53 nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn; 5 trường học, 141 công trình thủy lợi- 60 héc ta hoa màu bị vùi lấp… ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 300 tỷ đồng.

     

     

     

    Thu Hòa/VOV4

     

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC