Nghệ An: Dấu chân biên phòng nơi biên ải xa xôi
Thứ tư, 09:44, 02/03/2022 Thu Ha bt- 3 ảnh Thu Ha bt- 3 ảnh
VOV4.VN - Đưa cán bộ, chiến sĩ cắm bản, thực hiện 4 cùng với nhân dân, cách làm này đã và đang được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An triển khai với nhiều giải pháp sáng tạo, lồng ghép các mô hình phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

 

Năm 2020, Đại úy Mai Quốc Ban, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tri Lễ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An được chuyển Đảng, sinh hoạt tạm thời tại chi bộ bản Tam Hợp. Tại đây, anh được phân công phụ trách 5 hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn trong bản.

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới khó khăn, 3 năm qua, hơn chục hộ gia đình đã được anh phụ trách, giúp đỡ, từ hộ gia đình khó khăn có ý thức vươn lên để có cuộc sống ổn định.

Nhiều hộ gia đình khó khăn đã có ý thức vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Đại úy Mai Quốc Ban cho biết: Phụ trách 5 hộ gia đình khó khăn, thông qua chi bộ, chúng tôi giúp đỡ họ về tinh thần, vật chất, các ngày công lao động, phối hợp với đoàn đồn và đoàn địa phương giúp người dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chúng tôi khảo sát địa bàn canh tác, vận động nhân dân làm kênh mương sản xuất, đưa giống cây trồng phù hợp với khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đầu năm 2018, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Chế Đình Đạt, nhân viên vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An được chuyển Đảng, sinh hoạt tạm thời về bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, một bản biên giới đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Kỳ Sơn. Sau 2 năm sinh hoạt tại chi bộ, ngoài việc tham mưu cho chi bộ, hướng dẫn, giúp đỡ và giới thiệu, phát triển đảng, anh còn đưa ra nhiều kế sách phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân.

Anh cho biết: Muốn phát triển kinh tế phải có đường giao thông, thuận tiện thì người dân mới yên tâm sản xuất, chưn nuôi. Sau khi tham mưu cho chi bộ, đưa ra bàn bạc, thống nhất và đưc người dân đồng tình, từ năm 2020 cây trồng chủ lực của bản Khánh Thành là cây gừng và cây lúa đều cho năng suất cao.

Gừng và lúa là 2 cây trồng chủ lực cùa bản Khánh Thành

Đó là 2 trong rất nhiều chi bộ thôn bản khu vực biên giới Nghệ An đang có các Đảng viên là bộ đội biên phòng được chuyển đến sinh hoạt.

Anh Hà Văn Thủy, người dân bản Liên Hợp, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chia sẻ: Mấy năm qua gia đình khó khăn, gặp nhiều khó khăn, được bộ đội biên phòng hỗ trợ giúp đỡ giống cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn chăm sóc và chăn nuôi  nên đời sống đã ổn định hơn nhiều. Gần 300 cây ăn quả gồm cam, bưởi, mít, quýt của gia đình tôi phát triển tốt như hôm nay một phần lớn là nhờ công sức của lực lượng biên phòng:

Là huyện biên giới, với 192 km đường biên tiếp giáp với 4 huyện, 2 tỉnh của nước bạn Lào, chính quyền huyện Kỳ Sơn luôn đánh giá cao vai trò của cán bộ, Đảng viên 7 đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nguyễn Hữu Minh cho biết: Lực lượng quân đội, biên phòng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế ở địa phương. Ngoài bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới thì cùng với nhân dân, động viên nhân dân, tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương, chính sách của đảng đối với vùng biên. Huyện Kỳ Sơn có 11 xã biên giới thì 11 xã có các đồng chí biên phòng tham gia Phó Bí thư Đảng uỷ, tham mưu cấp uỷ, chính quyền phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Hiện nay tại khu vực biên giới đất liền và ven biển, Bộ đội Biên phòng Nghệ An thường xuyên bố trí gần 30 đồng chí cán bộ, tăng cường cho địa bàn xã; chuyển 80 đảng viên sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, bản các xã biên giới đất liền và các khối- xóm, thuộc các xã, phường ven biển; phân công hơn 590 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hơn 2.840 hộ gia đình ở khu vực biên giới, ven biển của tỉnh.

Có thể nói, ở Nghệ An “Nơi nào khó có biên phòng”, bởi các anh đã coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”./.

 

Sỹ Đức/VOV1

Thu Ha bt- 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC