Thủy lợi Tây Nguyên cần những giải pháp cấp bách
Thứ hai, 00:00, 09/10/2017
VOV4.VN - Việc thiếu nước tưới lặp đi lặp lại vào mỗi mùa khô đang là cản trở lớn đối với phát triển nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên trù phú, khiến tiềm năng đất đai bị lãng phí, tạo nhiều bất ổn xã hội khi những vùng dân cư nghèo liên tục nhiều năm phải chịu thiệt hại vì nắng hạn.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 2.261 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ; trong đó có 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, còn lại là các trạm bơm, với trên 5.000 km kênh mương đã được kiên cố hóa phục vụ tưới cho 216.000ha cây trồng. Diện tích lúa nước ở khu vực được tưới chủ động hiện nay là 50%, cà phê là 21%. Con số này có nghĩa là hơn 400.000ha cà phê phải tìm nước từ các nguồn khác rấp bấp bênh, đặc biệt trong bối cảnh rừng bị tàn phá nặng nề.

Ông Trần Thế Hoan, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đắc Lắc, cho rằng, việc tìm giải pháp để phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên là cấp bách, vì những tính toán, quy hoạch trước đây đã không theo kịp với thực tế.

"Môi trường bị tàn phá, dòng chảy kiệt, lượng nước ngày càng giảm. Do vậy, một số công trình thủy lợi, dù có tích đủ nước theo thiết kế thì cũng không tưới được cho diện tích như tính toán trước đây. Hơn nữa, qua điều tra thực tế chúng tôi thấy ở nhiều công trình, diện tích tưới thực tế đã cao hơn rất nhiều so với diện tích tưới thiết kế. Chính vì vậy, nếu không có các giải pháp, tính toán cân bằng lại nguồn nước, thì việc thiếu nước tưới cho cây trồng vẫn xảy ra" - ông Hoan nói.

Hội thảo giải pháp phát triển thủy lợi khu vực Tây Nguyên tổ chức cuối tuần trước

Trong khi bí bách tìm nguồn nước cho cây trồng, nông dân Tây Nguyên đã khoan hàng trăm ngàn giếng nước, đâm sâu vào lòng đất cả trăm mét. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung Tây Nguyên, cho rằng, việc này tuy giải quyết được tình thế trước mắt  nhưng lại khiến Tây Nguyên đã khát càng thêm khát:

"Khai thác vượt quá lượng nước đến thì khiến mực nước ngầm giảm sâu rất nhanh. Thì việc này giải quyết được nhu cầu trước mắt, nhưng lại làm suy giảm nước ngầm trên diện rộng, gây ảnh hưởng rất lớn đến những vùng khác".

Trước những thách thức về nguồn nước mà Tây Nguyên đang phải đối mặt, tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về việc thay đổi mô hình đầu tư, sắp xếp lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, khai thác nguồn nước hiệu quả, bền vững.

Theo một số đại biểu, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm bán tự động đang được triển khai nhanh chóng trong vài năm gần đây, cần được xem là một trong những hướng giải quyết ưu tiên. Ông Nguyễn Văn Dẫn, Phó trưởng Ban Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum, cho biết, hướng giải quyết này đang rất thiếu sự đánh giá bài bản từ phía cơ quan nhà nước.

"Chuyển đổi từ cách tưới truyền thống sang có kiểm soát bằng các đường ống, như tưới nhỏ giọt là hướng rất đúng. Thế nhưng cái này cần phải có nhiều mô hình thí điểm. Các tỉnh phải có mô hình thử nghiệm, tỉnh phải đầu tư trước, để từ đó đánh giá đúng hiệu quả. Nếu để dân tự phát thì việc tổng kết, đánh giá hiệu quả sẽ chưa đúng với thực tiễn" - theo ông Dẫn.

Về xã hội hóa đầu tư, một số đại biểu dự hội thảo cho rằng, để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp, áp dụng những công nghệ, giải pháp thủy lợi mới, Nhà nước cần có sự đầu tư mang tính định hướng, kết hợp với các chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có hiệu quả tối ưu.

Theo thông tin của Viện Quy hoạch Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày tại hội thảo, hạn hán ở Tây Nguyên mỗi năm lại tăng mức khốc liệt, diện tích cây trồng bị thiệt hại tăng nhanh chóng. Năm 2014, Tây Nguyên có gần 76.000 hecta bị thiệt hại, năm 2015 tăng lên gần 144.000 và năm 2016 là hơn 176.000 héc ta. Điều này đang đặt ra yêu cầu rất cấp bách, không chỉ về các giải pháp phát triển, mà còn sớm đưa cách giải pháp vào thực tiễn, góp phần giúp Tây Nguyên phát triển bền vững.

 

 

 

Dương Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC