Từ đầu mùa mưa, các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Riêng trong đợt mưa do hoàn lưu bão số 3 vừa qua, toàn bộ 3 tuyến quốc lộ với chiều dài hơn 300km và 15 tỉnh lộ do ngành GTVT Bắc Kạn quản lý đã bị sạt trượt ở hàng trăm vị trí với khối lượng đất đá ước tính gần 600.000m3. Nhiều vị trí sạt taluy âm, sụt lún mặt đường khiến giao thông ngưng trệ, tổng thiệt hại ước tính gần 80 tỉ đồng.
Tuy vậy, do thiếu các bãi đổ thải nên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như với tuyến QL3B, phạm vi 14km từ thành phố Bắc Kạn đến xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông là địa bàn trọng điểm xảy ra sạt trượt nhưng tại khu vực này không thể tìm được các bãi tập kết đất thải, đơn vị thi công phải vận chuyển hàng chục km khiến chi phí tăng cao và khó đảm bảo môi trường.
Theo ông Trần Hiếu Chung, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng giao thông Bắc Kạn, đơn vị quản lý các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ tại Bắc Kạn, bãi đổ thải hiện nay rất khó khăn với đơn vị, do kinh phí bố trí không có, các tuyến đường thường bám theo sông, suối, một bên là ven rừng tự nhiên hoặc đất ruộng. Ngoài ra, rất khan hiếm vật liệu đá xây dựng.
Với các vị trí sạt lở nhỏ, khối lượng ít hoặc gần khu vực bãi đổ thải, việc khắc phục cơ bản hoàn tất. Còn tại các vị trí sạt lở có khối lượng lớn, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, đơn vị quản lý chỉ giải phóng một phần lòng đường để các phương tiện lưu thông, còn lượng lớn đất đá vẫn phải chờ phương án xử lý.
Các đơn vị thi công buộc phải tự tìm địa điểm phù hợp và thỏa thuận với người dân (có xác nhận của chính quyền địa phương), nhưng các vị trí này không nhiều do phần lớn ven đường là đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, ven sông, suối hoặc đất canh tác,... để chuyển đổi mục đích cần nhiều thời gian thực hiện quy trình, thủ tục, thậm chí phải chờ HĐND tỉnh thông qua. Ông Trần Mạnh Quyền, Phó Giám đốc Ban quản lý, bảo trì công trình đường bộ, Sở GTVT Bắc Kạn cho biết, đây cũng là vướng mắc chung với các tuyến đường liên huyện, liên xã tại địa phương.
Bên cạnh đó một số vị trí sạt lở lớn, kết cấu địa chất phức tạp cần thời gian khảo sát, thực hiện quy trình để cơ quan có thẩm quyền ban bố tình huống thiên tai, sau đó mới thực hiện các bước lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý và ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Do số điểm sạt sau bão số 3 đã lên đến hàng chục vị trí nên hiện cơ quan chuyên môn mới đến bước lập hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Đây là những lý do chính khiến đến thời điểm này nhiều điểm sạt lở tại Bắc Kạn vẫn chưa được khắc phục triệt để và vẫn còn tới 3 vị trí đang tạm cấm đường trên các tuyến QL279, ĐT257B và ĐT258 thuộc địa bàn huyện Ba Bể./.
Viết bình luận