Trong đợt mưa lũ kéo dài từ 27/7 đến 2/8, huyện Na Rì là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất với 2 người bị thương, hơn 80 ngôi nhà hư hại, hơn 135ha lúa, hoa màu bị ngập úng và một số công trình trụ sở, trạm y tế, trường học và đường giao thông bị sạt lở, gãy đổ. Ông Sằm Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết: “Xã đã huy động bà con nhân dân cùng nhau hỗ trợ các ngôi nhà có nguy cơ sạt lở, huy động bà con cùng hỗ trợ di dời người, tài sản của các hộ có nguy sạt, đảm bảo an toàn cho người dân”
Ngay sau khi lũ rút, người dân đã chủ động khắc phục hậu quả do mưa lớn kéo dài. Huyện Na Rì cũng vận động người dân vệ sinh đồng ruộng, sử dụng mạ dự phòng cấy dặm cho những diện tích lúa còn khả năng phục hồi. Hướng dẫn người dân chăm sóc, bón phân lân bổ sung đúng cách để kích thích sự phát triển của bộ rễ, giúp cây nhanh hồi phục. Đồng thời, lên phương án hỗ trợ để người dân kịp gieo trồng lại trên các diện tích bị thiệt hại hoàn toàn với các cây màu còn khung thời vụ.
Ông Nông Văn Đeng, Bí thư Chi bộ thôn Chợ Chùa, xã Đổng Xá, huyện Na Rì nói: “Sau mưa lũ xảy ra ban lãnh đạo thôn cũng vận động người dân phối hợp các ban ngành, đoàn thể đi thống kê thiệt hại từng hộ gia đình, từng thửa ruộng để báo lên cấp trên hỗ trợ. Đồng thời, vận động bà con nhân dân chủ động tự khắc phục thiệt hại hoa màu, chỗ nào còn cứu được thì cố gắng tạo điều kiện tự khắc phục”.
Đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến 2/8 tại Bắc Kạn đã khiến 1 người chết, 3 người bị thương, hơn 330 ngôi nhà bị sạt lở và khoảng 550ha lúa, ngô và cây hoa màu khác bị ngập úng, nhiều công trình trụ sở, trường học, trạm y tế, đường giao thông bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng.
Với việc triển khai ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, tất cả các trường hợp thương vong đều được chính quyền, người dân hỗ trợ kịp thời. Các trường hợp bị đất đá sạt lở vào nhà đã được hỗ trợ di dời, dọn đất sạt trượt, không để bất cứ hộ dân nào phải trong cảnh thiếu nơi lưu trú hoặc thiếu nhu yếu phẩm cần thiết. Đăc biệt, trường hợp 3 căn nhà tại thôn Nà Đinh, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông bị sạt lở taluy dương, trong đó có ngôi nhà của ông Hạ Đình Kỵ bị hư hỏng hoàn toàn, chính quyền và người dân cũng đã góp tre, gỗ, bạt nhựa để dựng nhà tạm cho 3 gia đình sinh sống trước khi dựng được nhà mới. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể, 34 người dân trong và ngoài thôn Nà Đinh đã quyên góp được số tiền hơn 5,5 triệu đồng cùng nhiều đồ dùng, lương thực, thực phẩm để ủng hộ các gia đình gặp nạn.
Ông Hạ Đình Kỵ nói: “Bây giờ nhà thì hỏng nhưng người không sao là tốt rồi, cũng nhờ chính quyền và các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ gia đình và 2 nhà bên cạnh”.
Theo thống kê, tổng thiệt hại cho ngành giao thông Bắc Kạn ước tính hơn 10 tỉ đồng, ngay khi các sự cố sạt lở xảy ra, các đơn vị được giao quản lý đã kịp thời huy động máy móc, nhân lực khắc phục tạm thời, không để ách tắc kéo dài. Ông Trần Mạnh Quyền, Phó Giám đốc Ban quản lý, bảo trì công trình đường bộ Bắc Kạn cho biết: “Hiện nay các loại máy móc, thiết bị đều đã bố trí thường trực sẵn trên các tuyến, nếu có sạt lở sẽ huy động triển khai khắc phục ngay. Ngoài ra, tình trạng sạt lở trên các tuyến giao thông diễn biến rất phức tạp, nhất là các vị trí taluy cao có đất lẫn đá, điển hình là khu vực đèo Áng Toòng trên quốc lộ 3B, rất hay có đá lăn, đá rơi khi trời mưa, do đó, chúng tôi tăng cường cảnh báo người dân hết sức chú ý, nâng cao cảnh giác khi đi qua những khu vực này và hạn chế đi lại trong điều kiện trời mưa nếu không cần thiết”.
Tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại để có những sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo cuộc sống người dân. Đồng thời, tiếp tục rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng của thiên tai nhằm có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trước dự báo thời tiết còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới./.
Viết bình luận