Biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nam bộ
Thứ sáu, 04:49, 16/08/2024 Thạch Hồng/VOV ĐBSCL Thạch Hồng/VOV ĐBSCL
VOV4.VOV.VN: Ngày 15/8, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh uỷ Sóc Trăng tổ chức Hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam bộ. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc Trung ương và ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cùng chủ trì hội nghị.

Tây Nam bộ có dân số hơn 19 triệu người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 1,56 triệu người (chiếm khoảng 8,2% dân số toàn vùng), chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm…

Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, trong giai đoạn 2018-2024, các tỉnh khu vực Tây Nam bộ đã xây dựng được 265 mô hình, nhân rộng 67 mô hình tại 457 điểm. Các mô hình khá đa dạng, phong phú, được xây dựng tại các địa bàn ngoài xã hội, trong cơ quan doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu vực giáp ranh và trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự như dân tộc, tôn giáo, phòng chống tội phạm…

Điển hình như mô hình “4 không, 3 có” của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tỉnh Sóc Trăng đã phát huy đảm bảo an ninh trật tự tại nhà trường, với nhiệm vụ: “4 không” là không để trộm cắp tài sản, không tham gia các tệ nạn xã hội, không để cháy nổ xảy ra, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo; “3 có” là có ý thức khi tham gia giao thông, có ý thức thực hiện phòng, chống dịch, có ý thức ứng xử văn hóa trên các trang mạng xã hội.

Thầy Thạch Rích, Phó Hiệu Trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Từ khi thực hiện mô hình “4 không, 3 có” đến nay, nhận thức của cán bộ, giáo viên, viên chức và học viên được nâng lên, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không bình luận, chia sẻ những nội dung xấu trên các trang mạng xã hội, nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu".

Chỉ riêng tại tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, lực lượng Công an trong tỉnh đã triển khai xây dựng và nhân rộng thành công 40 loại mô hình tiên tiến tại 603 điểm trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh tại Hội nghị: "Với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, gắn kết chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động của các ngành, các cấp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân tham gia trực tiếp, hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở".

Tại hội nghị, đại diện các mô hình, điển hình tiên tiến khu vực Tây Nam bộ đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tâm huyết thực hiện và kiến nghị, đề xuất một số biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời gian tới. Bộ Công an đã tặng bằng khen cho 27 tập thể và 41 cá nhân điển hình tiên tiến thuộc các địa phương vực Tây Nam bộ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các địa phương khu vực Tây Nam bộ tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính vị của các cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Thường xuyên lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng đơn vị, địa phương và gắn với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam bộ.

Trung tướng Lê Quốc Hùng mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng khu vực Tây Nam bộ trong thời gian tới.

Trung tướng Lê Quốc Hùng nói: "Việc xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cần xuất phát từ đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự của từng địa phương, đơn vị. Khi xây dựng, nhân rộng một mô hình cụ thể cần tuyên truyền để dân biết, tạo điều kiện để dân bàn, tổ chức cho dân làm, có cơ chế để dân kiểm tra, giám sát; xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức hoạt động của mô hình phải vừa sức dân, hợp lòng dân, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân, được đa số, đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt tình ủng hộ"

.

 

Thạch Hồng/VOV ĐBSCL

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC