Bô xít không thể ứng xử như vàng và kim cương
Thứ sáu, 08:16, 09/08/2024 Công Bắc/VOV Tây Nguyên Công Bắc/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Quy hoạch bô xít đang gây ra rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế, xã hội, triển khai các dự án, công trình tại tỉnh Đắk Nông. Bô xít không thể ứng xử như vàng, kim cương, đó là ý kiến của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông tại cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội 7 tháng năm 2024 diễn ra chiều 8/8.

 

 

 

Tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề chồng lấn quy hoạch bô xít, khắc phục các công trình bị sạt lở, việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công…

Trả lời báo chí, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, có tới hơn 1.000 dự án, công trình trên diện tích 6.700ha bị chồng lấn với quy hoạch bô xít. Việc chồng lấn khiến các dự án, công trình bị trì trệ, dừng triển khai. Mấy năm gần đây, tỉnh liên tục có văn bản và có những buổi làm việc với các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương nhằm tháo gỡ vấn đề chồng lấn này. Mới đây nhất, tỉnh đã làm việc với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và xác định phải đồng thời sửa đổi Luật Khoáng sản và sửa đổi Quy hoạch 866 của Thủ tướng Chính phủ về khoáng sản mới có thể xử lý vấn đề bô xít tại địa phương.

Theo ông Lê Văn Chiến, hiện nay quy trình thủ tục, việc ứng xử khoáng sản bô xít được thực hiện như vàng và kim cương là không hợp lý. Giá bô xít hiện nay chỉ có 7-10 USD/tấn. Việc khai thác bô xít đòi hỏi nhiều điều kiện, điển hình như cách nhà máy không quá 15km, hàm lượng ít nhất 60.000tấn/ha mới có thể hiệu quả. Do đó, cần thiết phải xác định bô xít là khoáng sản đặc thù và có cách ứng xử phù hợp với tình hình địa phương.

Cũng theo ông Lê Văn Chiến, hiện nay trong Luật Khoáng sản thì không phân nhóm khoáng sản, bô xít cũng giống như kim cương, vàng mà thực tế nếu làm như thế thì không thể nào làm được. Luật Khoáng sản quy định tất cả các công trình tác động vào khu vực có khoáng sản thì phải khai thác hết mới được làm, trong khi nếu bỏ tiền ra khai thác còn kém hiệu quả gấp mấy lần không làm gì. Nếu sửa được Luật Khoáng sản, sửa được Quy hoạch 866 mới cải thiện được tình hình.

Đối với việc khắc phục các công trình sạt lở có nguy cơ thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định có sự chậm trễ. Điển hình là đường Hồ Chí Minh qua thành phố Gia Nghĩa, công trình thuỷ lợi Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) bị sạt trượt đã 1 năm nhưng việc khắc phục hiện nay vẫn dậm chân tại chỗ. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo các giải pháp cấp bách cũng như lâu dài./.

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC