Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2024 do Trường THCS Yersin, huyện Cam Lâm tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua tại Nhà Văn hóa xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Tham gia hội thi có 7 đội thi đại diện cho 4 khối 6, 7, 8, 9 của Trường THCS Yersin. Với hình thức sân khấu hóa, các đội trải qua 2 phần thi về kiến thức và tài năng. Nội dung thi xoay quanh các vấn đề như: Tìm hiểu tác hại, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các chính sách, pháp luật liên quan Luật Hôn nhân và Gia đình; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng DTTS; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em… Hội thi này là một phần trong kế hoạch triển khai Tiểu dự án 2 Dự án 9 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tại huyện Khánh Vĩnh, nơi có đến 73% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm ngành Y tế huyện phối hợp thực hiện gần 140 tin bài tuyên truyền về dân số phát trên hệ thống đài truyền thanh huyện và xã; tổ chức hơn 140 buổi sinh hoạt nhóm với hơn 2.400 đối tượng tham gia; tư vấn cho hơn 1.000 đối tượng thông qua việc cấp phát các phương tiện tránh thai phi lâm sàng. Ngoài ra, huyện còn sử dụng facebook và zalo để chuyển tải thông tin một cách sinh động, lan tỏa nhanh và góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Công tác khám sàng lọc và tư vấn chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cho nam, nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn cũng được quan tâm thực hiện; góp phần phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và giảm thiểu số trẻ vị thành niên mang thai cũng như tình trạng tảo hôn.
Bà Cao Thị Lang, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Bây giờ mạng xã hội cũng nhiều, trên điện thoại, trên tivi tuyên truyền rất nhiều. Cán bộ UBND xã, cán bộ trạm y tế dùng loa đài tuyên truyền rất rõ, con gái phải đủ 18 tuổi, thiếu một ngày cũng không được. Còn chồng chưa đủ tuổi cũng đang ham đi chơi, dẫn đến bỏ nhau. Đã có vợ, chồng mới biết khổ cơm, áo, gạo, tiền rồi cách chăm sóc con, trong khi vẫn còn ham đi chơi, dẫn đến bỏ nhau”.
Gần đây, các địa phương còn tổ chức Phiên tòa giả định phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết đến các em học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn miền núi. Phiên tòa giả định diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa đã giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tố tụng. Qua đó, giúp các em và phụ huynh hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật.
Bà Ka Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, chính quyền cũng cần phải thường xuyên nhắc nhở, răn đe, xử lý các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết:
“Ngoài việc tuyên truyền sân khấu hóa, tuyên truyền qua hình ảnh, trực quan thì ở huyện Khánh Vĩnh đi sâu vào việc tập trung xử lý các trường hợp vi phạm. Địa phưong tiếp cận từng đối tượng vi phạm, mời họ lên tuyên truyền, giáo dục và xử lý theo quy định của pháp luật”, bà Mến nói./.
Viết bình luận