Trong tiết trời se lạnh, trên cánh đồng mía bạt ngàn xã Ea Sô huyện Ea Kar, vợ chồng anh Trần Quốc Nguyên cùng 10 nhân công đang tất bật chặt mía, buộc thành từng bó, chất lên xe tải. Gia đình anh đã gắn bó với cây mía hơn 20 năm trước, trên khu rẫy rộng 15 ha. Mía nguyên liệu trồng ra đều được Công ty mía đường 333 Đắk Lắk thu mua bao tiêu.
Anh Nguyên cho biết: “Mía của nhà tôi năm nay thu tính ra chắc được trên 1.000 tấn tươi. Giá máy hiện nhà máy đang thu tại ruộng là 1100đồng/kg, cao hơn năm ngoái 1 giá. Trừ hết chi phí đầu tư công chăm sóc, phân bón, gia đình có thể thu lãi khoảng trên 500 triệu đồng. Người trồng mía năm nay được mùa, được giá, có nguồn thu cao thì ăn Tết sẽ vui hơn.”
Tương tự, ông Hoàng Văn Hóa ở thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar cũng gắn bó với cây mía từ hơn 20 năm và liên kết cung cấp mía nguyên liệu cho Công ty Mía đường 333 Đắk Lắk.
“4 – 5 năm trở lại đây, Nhà máy họ luôn bao tiêu mía nguyên liệu thu mua hết với giá luôn trên 10 trở lên cho bà con thì quá tốt rồi. Nhà tôi có 6 ha mía, sản lượng bình quân tầm 80 – 90 tấn mía/ha, trừ các khoản chi phí đầu tư thì vẫn được tầm 250 triệu đồng trở lại. Đất ở đây cằn cỗi, không trồng mía thì khó trồng cây khác. Nếu trồng vải, nhãn thì đầu tư cao, cho thu cao nhưng cũng rủi ro lớn. Mình không có vốn thì không làm được. Nói chung, trồng mía thì vẫn cứ phù hợp, cho thu nhập ổn định, không đến nỗi lắm.” - Ông phấn khởi nói.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 12.000 ha mía, được trồng chủ yếu ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh là Ea Kar và M’Đrắk với khoảng 7.300 ha; hơn 4.200 ha còn lại được trồng ở các huyện phía Tây là Ea Súp và Buôn Đôn. Sản lượng niên vụ 2023 – 2024 này ước đạt 980 nghìn tấn mía tươi.
Theo ông Lê Tuân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường 333 Đắk Lắk, giá đường trong nước và thế giới đã ổn định trong 5 năm qua ở mức trên dưới 20 nghìn đồng/kg. Mức giá này đã đảm bảo cho các doanh nghiệp duy trì lợi nhuận. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp luôn tạo các điều kiện thuận lợi để người trồng gắn bó lâu dài với cây mía duy trì nguồn nguyên liệu cho nhà máy.
“Về chính sách đầu tư thì chúng tôi vẫn đang duy trì xuyên suốt hỗ trợ toàn bộ tiền lãi vay mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi ha trồng mới thì vẫn được hỗ trợ không hoàn lại 3 triệu đồng và 1,5 triệu cho 1 ha mía lưu gốc. Khoản hỗ trợ này thì chủ yếu để bà con sử dụng để tưới mía trong mùa nắng hạn. Ngoài ra, về chính sách giá, chúng tôi luôn đảm bảo duy trì bảo hiểm giá mua cao, ví dụ trong 3 vụ vừa qua nếu mía đạt độ dường 8CS thì được mua với giá từ 1 – 1,15 triệu đồng/tấn, cuối vụ thì cao hơn và niên vụ này cũng vậy giá sẽ tốt hơn…” - Ông Lê Tuân thông tin thêm.
Viết bình luận