Đồng bào Dân tộc thiểu số tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thứ sáu, 13:00, 26/07/2024 Hoài Thu Hoài Thu
VOV4.VOV.VN - Hòa trong dòng người xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối giờ chiều 25/7, nhóm các bạn trẻ là cán bộ, sinh viên dân tộc Thái đang công tác, học tập tại Hà Nội ai nấy đều rưng rưng xúc động, nhiều bạn không kìm nén được cảm xúc.

Bạn Lò Thị Thu, sinh viên dân tộc Thái, quê ở Sơn La nghẹn ngào: Hôm nay là lần đầu em được đến trực tiếp một lễ quốc tang, bởi những lễ quốc tang trước em còn quá nhỏ để có thể hiểu và đi đến tận nơi. Hôm nay em đứng gần 3 tiếng chờ đợi chỉ được vài phút vào viếng bác Nguyễn Phú Trọng, nhưng em tin rằng chỉ cần vài phút ấy thôi là bao mệt mỏi, sốt ruột của mọi người dường như đã được xua tan đi hết, đọng lại trong lòng em lúc ấy là sự biết ơn, sự mãn nguyện vì mình đã được đến để chào tạm biệt Bác lần cuối, để có thể nghiêng mình trước anh linh của một vị lãnh đạo tài ba tận trung với Đảng, tận hiếu với dân đến tận hơi thở cuối cùng. Một người cộng sản hết lòng, một đời lo toan mà chẳng có nửa lời than vãn.

"Bằng tất cả lòng thành kính và biết ơn của mình, con xin nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của Bác, con nguyện suốt đời phấn đấu và học tập hết lòng, dù ít dù nhiều cũng góp phần vào công cuộc phát triển và phụng sự nước nhà. Mong anh linh của bác cùng các vị tiền nhân luôn dõi theo và che chở cho đất nước và muôn dân”.

Bạn Lò Văn Lịch, một sinh viên ưu tú, dân tộc Thái quê ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La bày tỏ: Với tôi, Bác Tổng Bí thư không chỉ là một nhà lãnh đạo mà còn là một người Thầy truyền cảm hứng cho tôi và các sinh viên dân tộc thiểu số:

“Là đại diện cho thế hệ sinh viên dân tộc thiểu số nói chung và sinh viên dân tộc Thái nói riêng tại Hà Nội tôi thấy rất là xúc động và nghẹn ngào, tiếc thương một nhà lãnh đạo một đời cống hiến hết mình vì đất nước, vì nhân dân. Sự ra đi của Bác là một mất mát to lớn với đất nước và toàn thể nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặt ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, sinh viên, phát triển nguồn nhân lực về dân tộc thiểu số. Dưới sự lãnh đạo của Đảng thì đã có nhiều chính sách phát triển dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều vùng núi đã khởi sắc hơn, thế hệ thanh niên chúng tôi có nhiều cơ hội để học tập, phát triển và hội nhập hơn. Với một sinh viên dân tộc thiểu số như tôi, Bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo mà còn là một người Thầy truyền cảm hứng mạnh mẽ. Bác đem lại cho chúng tôi niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngay khi nghe tin Bác Tổng Bí thư mất và có lịch cho nhân dân vào viếng, chị Cầm Cẩm Thơ, công tác tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Nhóm trưởng Nhóm cán bộ, sinh viên dân tộc Thái sinh sống, học tập tại Hà Nội, đã đứng ra lo toan các thủ tục để đăng ký cho nhóm vào viếng Tổng Bí thư. Trong thời gian chờ vào viếng, trời Hà Nội lúc nắng, lúc mưa nhưng đoàn cán bộ, sinh viên dân tộc Thái vẫn xếp hàng ngay ngắn, chờ đợi giây phút được vào chào tạm biệt Tổng Bí thư. Những giọt mồ hôi hòa với dòng nước mắt, chị Cầm Cẩm Thơ nghẹn ngào:

“Tôi rất đau buồn và xót thương. Nhiều câu nói, lời dạy của bác luôn luôn hiện trong tâm trí. Khi nghe tin bác mất, tôi rất sốc. Có lúc tôi ngồi một mình khóc vì thương xót, cảm thấy có điều gì đó đau như người thân trong gia đình mình mất. Khi về nhà, tôi gặp mẹ và khóc nói: ‘Bác Trọng mất rồi!’, mẹ tôi cũng khóc nói: ‘Thương bác quá, bác chưa được nghỉ ngơi ngày nào’, rồi hai mẹ con ôm nhau khóc. Mong muốn hôm nay chúng tôi chờ được vào viếng bác để tỏ lòng thành kính với một vị lãnh đạo, một người con ưu tú của đất nước”.Tôi tâm đắc với câu nói của bác và là kim chỉ nam cho chúng tôi là ‘Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất’, đó là động lực cho chúng tôi tiếp tục trên con đường bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình”./.

 

Hoài Thu

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC