(VOV) - Hai ngày qua, hàng vạn người dân ở các tỉnh ĐBSCL tập trung về Khu di tích văn hóa Ao Bà Om, tỉnh Trà Vinh, để tham gia lễ hội cúng trăng Ok-om-bok. Không chỉ đồng bào Khmer có mặt tại lễ hội đậm chất văn hóa Khmer này.
Vòng quanh Ao Bà om,tiếng nhạc ngũ âm, tiếng hò reo của du khách cổ vũ các trò chơi dân gian làm cho không khí thật tưng bừng, náo nhiệt.
Ông Lê Huy Khánh, ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên đến dự lễ hội Ok-Om-bok, cho biết: “Tôi nghe nói lễ hội Okombok ở đây rất vui cho nên năm nay tôi đến. Văn hóa đặc trưng vùng này khác hẳn với vùng miền khác trên đất nước VN; có nhiều đền chùa rất đặc sắc, rất thú vị. Tôi đến hôm nay có lẽ là hơi trễ nên sang năm tôi sẽ đến sớm hơn”.
À cha Thạch Huỳnh Tắc cho biết: “Không khí lễ hội năm nay rất phấn khởi, khâu tổ chức cũng tốt hơn trước đây. Đặc biệt, năm nay Ao được nạo vét, nước trong xanh hơn, khu di tích sáng hơn, đẹp hơn”.
Ông Nguyễn Đại Đức, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Lễ hội Ok-om-bok là một hoạt động vừa mang tính chất truyền thống vừa tạo sinh khí đồng bào dân tộc Khmer mừng vụ mùa. Cộng đồng người Kinh, người Hoa cũng cùng tham gia. Đây là đặc trưng của các dân tộc ở tỉnh Trà Vinh”.
Lễ hội Ok-om-bok được tổ chức định kỳ vào rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm – mà người Khmer Nam bộ gọi là tháng K-đấk. Năm 2014, lễ hội này được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức quy mô hơn. Lễ hội diễn ra ở hầu hết địa phương có đồng bào Khmer sinh sống. Địa điểm tổ chức tập trung và có quy mô lớn nhất là Khu di tích Văn hóa – Lịch sử Ao Bà Om.
Ba lễ chính trong năm của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ là: Tết cổ truyền Chôl-Chhnam-Thmây, lễ cúng ông bà Sêne Đolta và lễ cúng trăng Ok-om-bok.
Một số hình ảnh lễ hội tại Ao Bà Om:
Khu di tích Ao bà om, nơi diễn ra lễ hội
Nhạc ngũ âm phục vụ lễ hội
Trò chơi dân gian trong lễ hội Ok-om-bok
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận