(VOV4) - Ngày 15/12, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SC) tổ chức hội thảo “Giáo dục mầm non cho trẻ em dân tộc thiểu số” với sự tham gia của các cơ quan quản lý giáo dục, các tổ chức giáo dục và tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Hội thảo nhằm cập nhật chiến lược của Bộ GD&ĐT về giáo dục mầm non cho trẻ em dân tộc thiểu số cũng như các vấn đề chuyên môn về lĩnh vực này từ các hội thảo cấp vùng; chia sẻ kinh nghiệm của SC trong việc áp dụng bộ công cụ dạy kỹ năng làm quen với toán và đọc viết, đánh giá tác động thông qua Bộ công cụ đánh giá quốc tế về kết quả học sớm của trẻ của tổ chức Cứu trợ Trẻ em, để làm cơ sở vận động chính sách và nhân rộng mô hình này; tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức cùng hoạt động trong lĩnh vực Phát triển Trẻ thơ.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đưa ra những giải pháp nhằm hướng đến đến việc hỗ trợ nhóm trẻ em dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận với chương trình giáo dục mầm non có chất lượng, đồng thời nâng cao tính sẵn sàng đi học của các em. Các nỗ lực này nhằm hỗ trợ Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện đề án 1008/QĐ-TTg nhằm “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh vùng dân tộc thiểu số”, phê duyệt tháng 6 vừa qua.
Tại Hội thảo, các cán bộ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai dự án “Tăng cường kỹ năng làm quen với Toán và Đọc viết cho trẻ mầm non” tại 2 tỉnh Yên Bái và Quảng Nam. Triển khai từ năm 2015, đến nay, dự án đã tiếp cận và hỗ trợ gần 2 nghìn trẻ em độ tuổi mầm non và 1.000 phụ huynh dân tộc Tày, Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Cơ Tu và Kinh.
Dự án cũng đã tạo được mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc chung tay hỗ trợ trẻ em có một nền tảng học tập vững chắc và lâu dài ngay từ độ tuổi mầm non, từ đó góp phần tăng tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số đến trường.
Thu Hà/VOV4
Viết bình luận