Kết nối di sản “cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch Buôn Ma Thuột
Thứ ba, 05:50, 24/12/2024 H'Xíu/VOV Tây Nguyên H'Xíu/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Mô hình kết nối di sản “cồng chiêng Tây Nguyên trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk” sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Đây là nội dung sau cuộc tổng kết nghiệm thu do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 23/12/2024.

 

 

Mô hình là một trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Dự án 6 trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030.

Tham gia mô hình, với sự hướng dẫn của các báo cáo viên và quá trình truyền dạy trong cộng đồng, các học viên được tiếp cận những kỹ năng đánh chiêng từ cơ bản đến nâng cao, chỉnh sửa các lỗi thường gặp trong diễn tấu cồng chiêng, tìm hiểu thêm một số bài chiêng cổ của người Ê Đê. Các học viên cũng được hướng dẫn kỹ năng photovoice – sử dụng hình ảnh để kể những câu chuyện về văn hóa dân tộc.

Anh Y Justin Adrơng, ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, thỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Qua các lớp tập huấn này, tôi được học kỹ năng đánh cồng chiêng và cách chụp ảnh, quay phim để quảng bá cồng chiêng của người Ê Đê. Tôi thấy rất bổ ích khi mình có những hình ảnh và kỹ năng, cách quay phim, chụp ảnh và có thể sử dụng những hình ảnh, video đó để giữ gìn hoặc chia sẻ đến mọi người”.

Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, mô hình sẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn về giá trị di sản mà mình đang nắm giữ, thêm tự hào và tiếp tục trao truyền không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tạo điều kiện để di sản văn hóa cồng chiêng trở thành nguồn lực cho du lịch, kết nối cộng đồng và tạo hành trình du lịch di sản. Sau thành phố Buôn Ma Thuột, Sở sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng tại các huyện để tạo nên chuỗi kết nối các hành trình di sản ở tỉnh.

Cũng theo ông Lại Đức Đại, Đắk Lắk sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn, cho triển khai nhiều mô hình cùng 1 lúc, các lớp có thể nối tiếp nhau cùng với sự tham gia của các chuyên gia, các nghệ nhân. Việc chủ động đăng ký từ các địa phương cũng như việc lên kế hoạch từ đầu của Sở chắc chắn sẽ có sự kết nối với nhiều lớp có chất lượng và hiệu quả cao hơn./.

H'Xíu/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC