Không được tưới đủ nước, nắng nóng lại bất thường nên vườn cà phê tái canh trồng từ năm thứ 2 đến năm thứ 5 của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, Thôn 2, xã Hà Mòn có hiện tượng bị khô cành, rụng lá. Để cứu vườn cà phê, gia đình chị phải tự thuê toàn bộ, riêng đường ống dài gần 1.700m mới tới hồ nước gia đình xin được mà nguồn nước cũng rất khan hiếm.
Chị Hồng cho biết, Những hộ như chúng tôi ở cuối nguồn nước thì phải đợi những hộ ở đâu nguôn tưới hết đã. Tám, chín, mười ngày mới tới lượt nên cà có hiện tượng héo và đuối sức. Vườn cà phê của tôi, trung bình 20 đến 25 ngày phải có nước tưới một lần để đảm bảo nguồn quả cũng như cây mà đến giờ đã một tháng rồi. Hạn hán không thể đi xin được nước tưới nên cà phê bị thui và rụng hết rồi. Giờ tưới chỉ để dưỡng cây thôi.
Xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà hiện có tổng diện tích trên 440 ha cà phê tái canh. Trong đó, diện tích của người dân là 173 ha và của Công ty Cà phê Đăk Uy trên 270 ha. Đối với diện tích cà phê tái canh, thời điểm này người dân đang bước vào đợt tưới nước thứ 6. Tình trạng thiếu nước tưới cộng với thời tiết nắng nóng bất thường vừa gây thiệt hại kinh tế cho người trồng cà phê vừa để lại hậu quả với vườn cây.
Ông Trịnh Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết, Một số diện tích xa hồ đập, cuối kênh mương nước không có nên người dân phải tưới rất xa. Máy kéo, đẩy đường ống từ 1.200m đến 1.500m. Có khi gần 2km rất khó khăn. Nhiều diện tích đã cháy lá và có khả năng ảnh hưởng lớn đến chất lượng quả.
Hiện tại, các công trình hồ, đập thủy lợi trên địa bàn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đều không còn khả năng điều tiết nước đến diện tích cà phê tái canh ở các xã: Hà Mòn, Đăk Mar và thị trấn Đăk Hà. Bởi vậy người trồng cà phê ở đây như đang ngồi trên đống lửa và từng giờ theo dõi thông tin về áp thấp nhiệt đới đầu tiên của năm 2023 mới xuất hiện trên Biển Đông, với hy vọng những ngày tới trời sẽ có mưa./.
Viết bình luận