Lai Châu nỗ lực đảm bảo “mạch máu” giao thông trong tháng cao điểm mưa lũ
Thứ tư, 13:17, 14/08/2024 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, mùa mưa lũ hàng năm, hạ tầng giao thông của tỉnh Lai Châu thường bị thiệt hại nặng nề. Trong tháng cao điểm của mưa lũ năm nay, để không bị động trước thiên tai, các cấp, ngành và lực lượng chức năng địa phương đã, đang triển khai nhiều phương án tích cực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống sạt lở xảy ra.

Mỗi sáng sớm, các công nhân tuần đường thuộc các đơn vị đảm bảo giao thông của tỉnh Lai Châu lại bắt đầu hành trình trên các đèo dốc quanh co ở cả tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để kiểm tra hiện trạng tuyến đường. Dãi gió, dầm mưa, thậm chí đối mặt với nguy hiểm, song họ vẫn miệt mài với công việc, nhằm sớm phát hiện các điểm sạt và các điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo cho người đi đường.

Anh Lò Văn Thu, công nhân Công ty Cổ phần bảo trì đường bộ I Lai Châu - người có gần 15 năm làm nghề tuần đường trên quốc lộ 12 chia sẻ: "Sáng sớm tôi đi tuần, kiểm tra xem có điểm nào sạt lở thì chụp ảnh, nếu mà đá rơi ít thì khắc phục ngay trước mắt để thông xe. Dù mình vừa đi về xong nhưng nếu dân tình người ta báo về mình vẫn phải quay lại. Cũng rất là nguy hiểm khi đi tuần chỉ có một mình, nhưng công việc đặc thù thì trách nhiệm người tuần đường, mình phải nâng cao ý thức để hoàn thành nhiệm vụ".

Công ty Cổ phần bảo trì đường bộ I Lai Châu hiện đang thực hiện nhiệm vụ bảo trì và đảm bảo giao thông gần 500km đường quốc lộ 4H, 12 và một số tuyến tỉnh lộ tại các huyện biên giới Mường Tè, Phong Thổ và Sìn Hồ. Đây là những tuyến đường trọng yếu nối Lai Châu và Điện Biên, cũng như kết nối giao thông giữa các huyện biên giới để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Trong thời gian cao điểm của mùa mưa lũ năm nay, công ty Cổ phần bảo trì đường bộ I Lai Châu đã chủ động triển khai nhiều phương án để đảm bảo giao thông luôn thông suốt. Ông Hoàng Tiến Quý, Giám đốc Công ty cho biết: "Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, chúng tôi đã chủ động bố trí máy móc, xe cộ, phương tiện và vật tư dự phòng như rọ thép, đá hộc, ống cống, nhựa đường và nhân lực trên các tuyến đường được giao. Đặc biệt, chúng tôi đã chủ động bố trí tập trung ở những vị trí có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm hay gây nguy cơ ách tắc giao thông. Khi có gián đoạn giao thông xảy ra, chúng tôi bố trí nhân lực, máy móc khắc phục kịp thời để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đảm bảo cho bà con nhân dân và các phương tiện qua lại được an toàn".

Tỉnh Lai Châu hiện có gần 13.000km đường quốc lộ, tỉnh lộ và hơn 3.500km đường liên xã, liên thôn bản. Từ đầu mùa mưa đến nay, tại địa phương đã xảy ra hơn gần 1.500 điểm sạt lở trên các tuyến đường, gây hư hỏng kết cấu đường. Riêng các tuyến đường trung ương và địa phương do Sở Giao thông – Vận tải quản lý đã có gần 1.200 điểm sạt lở, hư hỏng, ước tổng thiệt hại hơn 40 tỷ đồng. Các tuyến đường thiệt hại nhiều nhất là quốc lộ 279, 4D, 12 và các tuyến tỉnh lộ 133, 127, 130…

Ông Mai Khắc Phượng, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong đợt mưa lũ này Bộ Giao thông – Vận tải, Cục đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở phải chủ động để đảm bảo công tác đảm bảo giao thông trên tất cả các tuyến trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay chúng tôi đã giao cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng thường trực 24/24 trên các tuyến đường đã được giao quản lý. Nếu xảy ra sụt sạt, gây ách tắc giao thông, các đơn bị phải thực hiện ngay nhiệm vụ khắc phục để đảm bảo giao thông được thông suốt".

Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Lai Châu cũng cho biết, đối với các tuyến đường Trung ương, việc thông xe và khắc phục được thực hiện đúng như tinh thần Thông tư 69 của Bộ Giao thông – Vận tải, nên giao thông được đảm bảo nhanh nhất khi có sạt lở xảy ra.

Tuy nhiên, đối với tuyến đường địa phương, hầu hết các vị trí sạt lở từ đầu mùa mưa đến nay mới chỉ được thực hiện thông 1 làn xe và đang chờ các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra xác minh, công bố tình huống để khắc phục. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 200 vị trí sạt lở và hư hỏng nền đường, cống rãnh trên tuyến đường địa phương do Sở quản lý và hàng trăm điểm sạt lở khác do cấp huyện quản lý mới chỉ được xử lý tạm. Thực trạng này đã và đang gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm hư hỏng kết cấu đường, rất cần được chính quyền tỉnh Lai Châu khẩn trương chỉ đạo để đảm bảo tính cấp thiết về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hoá, từ đó thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển./.

 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC