
Lễ khai hạ là một trong ba lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Mường, đánh dấu sự khởi đầu của mùa vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Phú, Phó chủ đình Lạc Sơn, xã Hòa Thắng có 7 đình làng, mỗi đình mang nét đặc trưng riêng của từng nhánh người Mường di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Sau những ngày Tết, từ mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng, mỗi đình làng sẽ chọn một ngày để tổ chức lễ khai hạ với nhiều hoạt động vui tươi, nhằm kết nối cộng đồng.
“Đây là truyền thống cha ông để lại từ xưa. Sau những ngày Tết, lễ hạ cây nêu là nghi thức không thể thiếu để chuẩn bị cho một mùa sản xuất mới. Lễ khai hạ mang ý nghĩa bước sang năm mới, cầu mong mùa màng tươi tốt, dân làng yên ổn, quốc thái dân an”, ông Phú chia sẻ.

Trong ngày lễ, người dân trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu đã tập trung về đình làng. Năm nay, tại đình Lạc Sơn có sự góp mặt của 3 đội chiêng Mường đến từ 3 thôn trong xã, tạo nên không khí lễ hội sôi động hơn bao giờ hết.
Phần lễ được cử hành trang trọng với lễ vật được bày biện tươm tất trên bệ thờ. Người chủ trì đình làng làm lễ cúng thành hoàng, thay mặt dân làng cầu mong sức khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Thành, chủ trì đình Lạc Sơn, cho biết: “Lễ khai hạ là đại lễ đầu năm. Từ chiều mùng 7, chúng tôi đã chuẩn bị đồ lễ, làm chay, gói bánh chay để dâng cúng. Đến trưa mùng 8 mới hạ tạp (cúng mặn) với lễ vật đầy đủ, trong đó có một con heo nặng hơn 70kg và rượu cần”.

Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian sôi nổi như đi cà kheo, trèo cột mỡ, đập heo đất, ném còn, kéo co, bắt vịt… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Chị Lê Ngọc Phương Trinh, ở thôn 3, xã Hòa Thắng, chia sẻ: “Là thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, tôi luôn tự hào và mong muốn gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc mình”. Chị Trinh cũng cho biết, năm nào chị cũng tham gia lễ hội, vào đội chiêng hoặc chơi ném còn. “Là người con của làng Mường, tôi luôn tự hào về dân tộc mình và sẵn sàng giao lưu, giới thiệu với bạn bè để mọi người biết đến nét đẹp văn hóa của người Mường”, chị Trinh nói./.
Viết bình luận