Người dân 4 huyện nghèo tỉnh Hà Giang được hưởng kỹ thuật cấp cứu, điều trị đột quỵ tại chỗ
Thứ tư, 14:02, 10/04/2024 Chu Thúy Ngà/VOV1 Chu Thúy Ngà/VOV1
VOV4.VOV.VN - Từ ngày 8 - 9/4, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai do PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ làm trưởng đoàn phối hợp cùng Sở Y tế, Sở Khoa học công nghệ và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo về cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn và Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên.

 

Tại đây, các giảng viên đến từ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về đột quỵ, các dấu hiệu sớm để phát hiện được bệnh nhân đột quỵ và quy trình kết nối với các bác sỹ của Đơn vị Đột quỵ, của Khoa Hồi sức cấp cứu để khẩn trương vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ đến bệnh viện huyện khám, chẩn đoán kịp thời trong thời gian vàng cho người bệnh…

Bên cạnh tập huấn, cầm tay chỉ việc, các bác sỹ của Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cũng kết nối từ xa qua Hệ thống Telehealth để tư vấn, hỗ trợ ngay các trường hợp đột quỵ vào cấp cứu tại các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hà Giang.

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, BV Bạch Mai khẳng định, với vai trò là Bệnh viện đầu ngành, người anh cả của y tế phía Bắc, Bệnh viện Bạch Mai đã lập chiến lược nâng cao năng lực tại chỗ cho y tế của Hà Giang thông qua đề án “Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ tháng 10/2023.

Sau 6 tháng triển khai, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo, cấp chứng nhận cho 4 bác sỹ và 8 điều dưỡng của 4 bệnh viện bao gồm: Bệnh viện huyện Đồng Văn, Bệnh viện huyện Vị Xuyên, Bệnh viện huyện Hoàng Su Phì và Bệnh viện huyện Quang Bình.

Việc đạo tạo, chuyển giao kỹ thuật cấp cứu đột quỵ, kỹ thuật tiêu sợi huyết cho người bệnh đột quỵ cấp đến sớm trong vòng 4,5 giờ có ý nghĩa quan trọng, giúp đồng bào, du khách được cấp cứu, điều trị tại chỗ những bệnh lý nguy hiểm.  

Đây cũng là đề án nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh miền núi đầu tiên trên cả nước. Dự án thành công sẽ giúp nhân rộng mô hình cho các tỉnh miền núi và trung du, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, khi mà việc vận chuyển, đi lại còn khó khăn.

Chu Thúy Ngà/VOV1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC