Đường xa, quanh co không ngăn được du khách đến với Vi Rơ Ngheo trong những ngày đầu năm 2025. Người tạo ra sức hút mạnh mẽ ấy chính là A Hiền. Dân làng gọi vui A Hiền là người làm mới nông thôn cũ. Ngay cả ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cũng không tiếc lời khen ngợi người đã có công lớn tạo nên một điểm sáng trong bản đồ xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng của huyện.
“A Hiền được chính quyền địa phương đánh giá rất là cao về năng lực. Anh tập hợp được người dân và nói người dân nghe. Những chủ trương, định hướng của huyện cũng như của xã anh nắm rất chắc. A Hiền là người nòng cốt, đi đầu để mà triển khai các công việc từ vấn đề xây dựng chỉnh trang trong làng cho đến tổ chức hình thành các hoạt động nghệ thuật, hình thành các homestay A Hiền luôn là người đi đầu”. - ông Phạm Văn Thắng |
Để xây dựng được nông thôn mới từ những điều xưa cũ, cách đây 5 năm A Hiền thuyết phục dân làng Vi Rơ Ngheo bằng việc “nâng cấp” chính ngôi nhà mình đang ở.
Tự đặt tiêu chí đầu tiên là Sạch- Đẹp, A Hiền tận dụng đá dưới suối, thu gom những cây gỗ-củi có sức bền với nắng mưa để trồng phong lan.
Anh cũng sưu tập địa lan, nhân giống và trồng quanh nhà, tạo không gian thơ mộng đậm bản sắc của người Xơ Đăng.
Vừa làm vừa bền bỉ thuyết phục, vận động cuối cùng A Hiền cũng đạt được mục tiêu cả làng đồng lòng, chung sức hỗ trợ cùng nhau làm mới làng cũ.
“Đầu tiên bà con tu sửa lại nhà cửa gia đình của họ rồi khu vệ sinh. Liên quan đến tiền bạc bà con trong này kinh tế hơi khó khăn những mà đa số tận hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Như gia đình tôi có hưởng tiểu khu 4810 là 30ha trong một năm thu được 30-35 triệu thì lấy cái đó để đầu tư về nhà cửa của mình”- Anh A Hiền cho biết.
Với suy nghĩ nhà cửa đẹp đẽ nhưng nếu không có thu nhập thì cuộc sống của dân làng sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo, từ gợi ý, định hướng của chính quyền xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, A Hiền thống nhất với bà con phát triển du lịch cộng đồng.
Để khách du lịch không thất vọng khi từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông vượt 40km đường núi quanh co đến với Vi Rơ Ngheo, A Hiền lại đi đầu trong việc đánh thức tiềm năng văn hoá của người Xơ Đăng nhằm tạo sức hút với du khách. Từ định hướng rõ ràng, dân làng Vi Rơ Ngheo dựng lại nhà rông truyền thống, khôi phục nhà dài, hình thành đội cồng chiêng-xoang, duy trì các lễ hội truyền thống. Bà con nhân giống hàng nghìn giò phong lan và chậu địa lan để tạo cảnh quan, khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan, đỗ quyên, cây hoa sim, hoa mua quanh làng…
“Làm du lịch khiến làng thay đổi nhiều lắm. Làng thì đẹp hơn, người dân vui hơn lại có thu nhập. Khách du lịch cũng vui mà, thích ăn, thích uống như mình, thích ra suối đánh cá, thích đi rừng rồi còn thích cả xuống đồng gặt lúa. Để làm du lịch được thì mình và bà con dân làng cũng cố gắng thay đổi, nấu món ăn phải ngon, cồng chiêng-xoang phải đẹp, phải vui vẻ, phải biết chăm chút cho công việc chung của làng để đón khách”. - Anh A Nhoa, |
Giai đoạn đầu các gia đình có đủ điều kiện đã xây dựng, hình thành được 5 homestay để khách du lịch lưu trú qua đêm.
Khi có nguồn thu từ du lịch, A Hiền sử dụng ngay khoản tiền này đưa dân làng Vi Rơ Ngheo ra một số tỉnh thành phía Bắc để học hỏi thêm về cách làm du lịch cộng đồng.
Anh A Nhoa, một người dân trong làng cho biết, du lịch đã giúp cuộc sống của dân làng thay đổi tích cực với nhiều niềm vui.
Ngay trong những ngày đầu năm, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đón rất đông khách du lịch.
Anh A Hiền vừa sử dụng mạng xã hội điều hành việc đưa, đón, bố trí nơi ăn, chỗ ở cho khách vừa hào hứng chia sẻ dự định của mình và dân làng trong xây dựng nông thôn mới cũng như đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
Theo A Hiền, dịp Tết khách thường đến rất đông. Vì vậy, năm nay A Hiền đã chuẩn bị mọi thứ nhiều hơn năm ngoái. "Bà con đoàn kết với nhau cùng làm, tương lai không chỉ là làng mà còn phải bảo tồn rừng, hoa, núi cho người ta đi lên chơi. Du lịch thì vẫn đúng bản sắc của mình, đúng truyền thống của mình, đúng người Xơ Đăng gốc thì du khách có xa họ cũng không chán đi, làm cho bà con có kinh tế” - A Hiền chia sẻ.
Từ ngọn cờ đầu A Hiền, làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, một vùng quê nghèo ngăn trở bởi đồi núi nay đã trở thành mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cũng chính từ sự đồng lòng của người dân trong làng và quyết tâm của anh A Hiền trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, đánh thức tiềm năng từ những điều xưa cũ mà giờ đây Vi Rơ Ngheo còn là điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Kon Tum.
Câu chuyện của anh A Hiền và làng Vi Rơ Ngheo cũng cho thấy, bản sắc văn hoá truyền thống không chỉ là di sản quý giá cần bảo tồn, mà nếu biết phát huy còn mang lại động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội./.
Viết bình luận