Nhiều cách làm hay đã tạo nên thành công của Dự án 8 tại địa bàn chỉ đạo điểm
Thứ sáu, 09:42, 15/11/2024 Hoàng Thái Hoàng Thái
VOV4.VOV.VN - Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động Dự án 8 tại 8 tỉnh đại diện các vùng miền, gồm: Bắc Kạn, Thanh Hóa, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng và tập trung nguồn lực triển khai toàn diện các mô hình, hoạt động của Dự án 8 tại địa bàn điểm. Sau 3 năm triển khai, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ thành lập và duy trì hiệu quả 6 tổ truyền thông cộng đồng, 2 địa chỉ tin cậy, 3 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; thí điểm hỗ trợ 8 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ; cùng với đó là các hoạt động truyền thông, đối thoại chính sách…

 

Chiều ngày 14/11/2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết chỉ đạo điểm Dự án 8 và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp duy trì, nhân rộng các mô hình điển hình. Hội nghị nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, định hướng triển khai hiệu quả các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 trong thời gian tới.

Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động Dự án 8 tại 8 tỉnh đại diện các vùng miền, gồm: Bắc Kạn, Thanh Hóa, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng và tập trung nguồn lực triển khai toàn diện các mô hình, hoạt động của Dự án 8 tại địa bàn điểm. 

Các hoạt động chỉ đạo điểm của Dự án 8 bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của người dân, góp phần thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ định kiến giới và giảm thiểu tác động của các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình nằm trong khuôn khổ triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, các hoạt động chỉ đạo điểm bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của người dân, góp phần thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ định kiến giới và giảm thiểu tác động của các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu vượt qua các rào cản, định kiến giới, tiên phong thay đổi, khẳng định vai trò, vị trí của bản thân trong gia đình và cộng đồng. Nhiều cách làm hay, sáng tạo của Hội phụ nữ cơ sở, các ngành liên quan và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo nên thành công của Dự án 8 tại địa bàn chỉ đạo điểm.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho biết, công tác chỉ đạo điểm Dự án còn gặp một số khó khăn như: cán bộ thực hiện dự án còn lúng túng trong quản lý tổ chức thực hiện Dự án; năng lực duy trì, vận hành mô hình của Ban chủ nhiệm/Ban quản lý còn hạn chế; việc hỗ trợ duy trì hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng và Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" gặp khó khăn do chưa được cấp kinh phí duy trì từ nguồn ngân sách địa phương…

Đáng chú ý, "nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn phải đối mặt với một số rào cản nhất định, cần tiếp tục có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, có hệ thống của cấp, các ngành chung tay để giải quyết một cách căn bản, toàn diện", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, thảo luận đánh giá về kết quả, tác động và rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai các mô hình của Dự án 8, góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu của Dự án giai đoạn I và làm căn cứ để đưa ra các giải pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo thực hiện Dự án ở giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá về kết quả, tác động của Dự án sau 3 năm triển khai, theo bà Lò Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các đơn vị của Trung ương Hội đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn thành lập, vận hành và tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, tổ chức sinh hoạt của các mô hình. Tư liệu hóa các tài liệu dưới dạng video, hình ảnh trực quan, sinh động, phù hợp từng đối tượng.

Qua hoạt động tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội và cán bộ các ngành liên quan tại cấp xã về thành lập, vận hành và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình đã được các Ban Trung ương Hội chú trọng thực hiện thường xuyên hằng năm. Đồng thời tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương trực tiếp quản lý, vận hành mô hình. Tổ chức hoạt động sự kiện truyền thông mẫu tại cộng đồng.

Sau 3 năm triển khai, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 6 tổ truyền thông cộng đồng, 2 địa chỉ tin cậy, 3 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi. Thí điểm hỗ trợ 8 Mô hình tổ nhóm sinh kế hợp tác Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ và đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ. 

Các hoạt động của các Ban tại các xã điểm tập trung vào các hoạt động giao lưu truyền thông mẫu để thay đổi nếp nghĩ, cách làm. óa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới với 34 cuộc truyền thông, nâng cao kiến thức phòng ngừa bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới và các tập tục có hại tại địa phương, thu hút sự tham gia của gần 3.000 người.

Tổ chức 4 cuộc giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, giao lưu thể thao-gia đình gắn kết, thu hút hơn 1200 người gồm các gia đình hội viên phụ nữ và nam giới. Tổ chức 4 Sự kiện đối thoại lắng nghe con nói, thu hút hơn 1200 cha mẹ học sinh, thầy cô giáo tham dự.

Tổng ngân sách từ nguồn Dự án 8 cấp trung ương triển khai hoạt động tại các địa bàn điểm từ năm 2023 đến hết năm 2024 ước tính khoảng gần 5 tỷ đồng.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ của Trung ương hội, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp tại địa phương cũng đã tập trung nguồn lực triển khai, đồng thời các mô hình hoạt động tại 8 xã chỉ đạo điểm, đã thành lập và duy trì được 32 môn tổ truyền thông cộng đồng, 4 Địa chỉ tin cậy, 4 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi và tổ chức được 4 cuộc đối thoại chính sách quan tâm, tổ chức hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tập huấn, hướng dẫn, giám sát, đánh giá về bình đẳng giới, nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã và thôn bản. 

Để tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình, hoạt động của Dự án tại địa bàn chỉ đạo điểm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan và Hội LHPN các cấp cần tiếp tục quan tâm, phối hợp duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; quan tâm hỗ trợ đồng bộ, toàn diện các Chương trình Mục tiêu quốc gia để tác động đồng thời, tạo ra sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, đời sống của người dân tại địa phương; bố trí nguồn ngân sách đảm bảo việc duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ truyền thông cộng đồng và CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, thành viên Ban quản lý/Ban chủ nhiệm; đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong các hoạt động tuyên truyền, vận động xóa bỏ định kiến giới và các tập tục./.

Hoàng Thái

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC