Tại Sơn La: Đến 14h chiều 24/7, 2 trong số 5 nạn nhân bị sạt lở đất tại xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong. Bà con địa phương đang tiếp tục tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại.
Ông Cầm Văn Trực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiềng Nơi cho biết, bản Hua Pư hiện bị chia cắt do cầu treo qua suối đã bị lũ cuốn trôi, nên các lực lượng của tỉnh, huyện và xã đang đi bộ, chia làm nhiều hướng để tiếp cận hiện trường. Đường từ xã tới bản Hua Pư gặp rất nhiều khó khăn do nhiều đoạn sạt lở, trơn trượt.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, đến trưa 24/7, mưa lũ đã gây thiệt hại tại 7 huyện, thành phố, với 6 người chết và mất tích, hơn 270 nhà bị thiệt hại, hàng chục ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; nhiều điểm trường học bị ngập sâu. Mưa lũ còn làm gần 250 héc ta lúa mùa bị ngập và cuốn trôi, nhiều công trình thủy lợi, cột điện, nhà văn hóa bị ảnh hưởng, có nguy cơ sạt lở; hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ.
Hiện vẫn còn nhiều khu dân cư, thôn bản tại thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, huyện Mường La...nước lũ vẫn chưa rút; mực nước trên các sông, suối xuống chậm. Các lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân quân đang tiếp tục hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất, khơi thông dòng chảy, kê dọn đồ đạc, tài sản, khắc phục nhanh hậu quả trận mưa lũ.
Mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ ngày 23/7 đã làm ngập úng, sạt lở nhiều điểm trên Quốc lộ 6, đoạn qua tỉnh Sơn La, gây ách tắc giao thông. Tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ đã xảy ra sạt lở tại hai vị trí Km156 và Km160+620, một lượng lớn cây, bùn đất từ ta luy dương tràn xuống đường khiến các phương tiện không thể lưu thông, ùn tắc cục bộ. Ngay khi xảy ra sạt lở, lực lượng chức năng đã huy động máy móc và nhân lực để xúc, gạt đất đá, sớm thông đường.
Mưa lớn cũng gây ngập lụt trên Quốc lộ 6, đoạn qua tiểu khu 6, thị trấn Thuận Châu, tỉnh Sơn La khiến các phương tiện di chuyển khó khăn.
Tại tỉnh Lâm Đồng, chiều 23/7, UBND thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức di dời các hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm vì nguy cơ sạt lở đất do mưa lớn.
Mưa lớn kéo dài khiến bờ taluy cao khoảng 12 mét tại thôn 7, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc xuất hiện dấu hiệu sạt lở đất. Kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng xác định có 5 hộ, 13 khẩu trong khu vực nguy hiểm nên đã tiến hành di dời đến nơi ở an toàn. Trước đó, Bảo Lộc cũng tiến hành di dời khẩn cấp 3 hộ, 11 khẩu ở thôn 6, xã Đam B’ri ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có khoảng 55 vị trí và khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất hoặc ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Trong đó, 20 khu vực, vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở thuộc địa bàn các phường Lộc Tiến, Lộc Sơn và các xã Đại Lào, Đam B’ri, Lộc Nga. Riêng ở xã Đại Lào có 7 điểm có nguy cơ sạt lở đất, trong đó nguy cơ cao nhất là 2 điểm ở thôn 6.
Cùng với việc kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, UBND thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các phường, xã bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, cảnh báo và chủ động ứng phó với thiên tai.
Trong khi đó, tại Đắk Lắk, mưa lớn trên diện rộng liên tục nhiều ngày qua đã khiến hàng trăm héc ta lúa nước ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk ngập chìm trong biển nước, nguy cơ mất trắng. Theo thống kê sơ bộ, tính đến trưa ngày 23/7, toàn huyện Lăk có gần 1.200 héc ta lúa nước và hoa màu các loại bị ngập úng. Trong đó, diện tích lúa bị ngập chiếm đa số, chủ yếu ở các xã: Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Nuê và thị trấn Liên Sơn.
Đến chiều 23/7 mưa đã ngưng nhưng nước sông Krông Ana vẫn tiếp tục dâng cao, nhiều cánh đồng ở các xã, thị trấn tiếp tục bị ngập. Ngoài lúa và hoa màu, còn có khoảng 50 căn nhà bị ngập cục bộ. Người dân đã kịp thời di dời lương thực, tài sản đến những khu vực cao ráo, an toàn đề phòng lũ lớn.
Ông Võ Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, địa phương bám sát diễn biến mưa lũ, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong công tác phòng, chống thiên tai.
“UBND huyện đã có sự chỉ đạo kịp thời đến UBND các xã, thị trấn đặc biệt là với các xã có diện tích lúa bị ngập sâu. Chỉ đạo đến các địa phương cùng với nhân dân, ứng phó, kiểm tra các hệ thống kênh mương, khơi thông kênh mương để tiêu nước. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đơn vị của huyện trực tiếp xuống với nhân dân, cùng với nhân dân để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả ngập lụt”./.
Viết bình luận
Tin liên quan
Lâm Đồng: Tập trung khắc phục các điểm có nguy cơ sạt lở trong mưa bão
VOV4.VOV.VN: Qua kiểm tra, rà soát, Lâm Đồng xác định nhiều khu vực trong tỉnh có nguy cơ sạt lở đất, trong đó thành phố Đà Lạt có hơn 60 điểm công trình xây dựng nằm trong nhóm cảnh báo nguy cơ sạt lở cao cần khẩn trương khắc phục.
Lâm Đồng: Tập trung khắc phục các điểm có nguy cơ sạt lở trong mưa bão
VOV4.VOV.VN: Qua kiểm tra, rà soát, Lâm Đồng xác định nhiều khu vực trong tỉnh có nguy cơ sạt lở đất, trong đó thành phố Đà Lạt có hơn 60 điểm công trình xây dựng nằm trong nhóm cảnh báo nguy cơ sạt lở cao cần khẩn trương khắc phục.
Quảng Ninh: Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão
VOV4.VOV.VN: Bước vào mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, bổ sung nhiều phương tiện, vật tư phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ nhằm nâng cao năng lực phòng chống, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai.
Quảng Ninh: Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão
VOV4.VOV.VN: Bước vào mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, bổ sung nhiều phương tiện, vật tư phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ nhằm nâng cao năng lực phòng chống, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai.