Khu vực sông Kiến Giang đoạn chảy qua thông Long Đại, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có nhiều điểm sạt lở, xói sâu tạo thành những “hàm ếch” to và vực sâu dựng đứng khoảng 2 – 4m. Những hàng tre bảo vệ đất 2 bên bờ sông cũng bị sạt lở nuốt chửng. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị mất dần, sạt lở cũng uy hiếp 75 hộ dân, trong đó có 7 hộ ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Trần Công Quang, ở thôn Long Đại, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết, bờ sông vốn đã sạt lở nặng, sau đợt mưa lũ vừa qua, tình trạng sạt lở đất càng trầm trọng hơn, nhiều diện tích trồng cây hoa màu của người dân dọc bờ sông Kiến Giang bị sạt lở nuốt chửng. Năm 2020 đã lở một ít, mỗi năm bờ sông lại lở dần cho đến nay chỉ còn cách móng nhà ông Quang chưa đến 10m.
Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra càng nghiêm trọng sau đợt mưa lũ vừa qua. Những dòng nước xiết từ thượng nguồn đổ về xói sâu 2 bên bờ sông, nhiều điểm sạt lở bị ăn sâu thêm 4 – 5m. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do mưa lũ thì tại khu vực này diễn ra tình trạng khai thác cát sỏi thuộc đoạn sông qua xã Trường Thủy.
Ông Lê Xuân Gọn, trưởng thôn Long Đại, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, khúc sông này luôn có 2 xà lan neo đậu và ngày đêm hoạt động hút cát, sỏi lòng sông. Hiện có những điểm sạt lở vào sâu 17 -18m, bình quân 5 – 6m, diện tích tổng thể rất lớn. Do khai thác cát sạn nên lòng sông quá sâu, bờ quá hẳm, mất chân nên cứ nước lũ về là vỡ.
Người dân sống dọc sông Kiến Giang thường xuyên trồng các loại cây chủ lực như sắn, ngô, lạc… Sạt lở đất dọc sông Kiến Giang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của 70 hộ dân với diện tích gần 8ha. Trước đây, do thiên tai, tình trạng sạt lở đất cũng đã diễn ra, nhưng từ đợt mưa lụt vừa rồi diễn ra nghiêm trọng hơn làm người dân lo lắng sau này ảnh hưởng đến khu dân cư.
Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho hay, người dân vô cùng lo lắng về tình trạng sạt lở bờ sông Kiến Giang. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị tạm dừng việc khai thác cát sỏi trên đoạn sông qua xã Trường Thủy, tuy nhiên vẫn chưa được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết. Cũng theo ông Tình, thời gian tới, các cấp cần quan tâm điều chỉnh cấp phép khai thác cát sỏi trên lòng sông, hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè, hạn chế sạt lở.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, đợt mưa lũ vừa qua, nhiều bờ sông, bờ biển tại tỉnh Quảng Bình bị sạt lở nghiêm trọng; 85 điểm sạt lở bờ sông, suối, 5 điểm sạt lở bờ biển. Trong đó có 2 điểm cao ảnh hưởng đến nhà dân. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 9 công trình đê, kè đang thi công. Tỉnh Quảng Bình cũng có 280 km đê. Qua kiểm tra, báo cáo của các địa phương, các điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh đã được xử lý tạm thời, hiện không còn điểm xung yếu có tính nguy cơ cao. Các phương án bảo vệ trọng điểm được lồng ghép trong phương án phòng chống thiên tai của địa phương, trong đó các địa phương chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra./.
Viết bình luận