Đến với xã Ia Kênh những ngày này, những nụ hoa nhỏ xinh xen kẽ với những bông hoa mai vàng óng ánh trong nắng chiều dịu dàng. Hoa mai rừng ở Tây Nguyên cũng giống như hoa mai tại xã Ia Kênh. Hoa có đặc trưng lá thưa và dày, viền lá răng cưa, có từ 5 đến 8 cánh, có màu vàng tươi, hương thơm nhẹ. Cây mai có sức sống mãnh liệt nên hoa mai cũng có thể giữ được đến hơn 1 tháng mới tàn. Vì vậy, khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa thích loài hoa mai này, nên năm nào gần đến Tết cũng vào tận vườn lựa chọn, đặt mua về chơi Tết.
Nhà ông Rahlan Luih ở làng Mơ Nú là một trong những hộ trồng cây mai nhiều nhất trong xã. Theo ông Luih, ngày xưa ở các khu rừng trong xã và các vùng lân cận rất nhiều, từ nhỏ ông đã theo cha và ông đi chặt mai rừng về bán mỗi dịp Tết đến Xuân về nên niềm đam mê đã ăn sâu vào con người ông. Nhận thấy việc kiếm cây mai trên rừng ngày càng khan hiếm, ông đã đào những cây mai con trong rừng và mọc trong rẫy về trồng trên vườn và đất rẫy nhà mình. Hiện nay trong vườn nhà và trên hai khu rẫy hiện có hơn 1.200 cây mai 5 - 25 năm tuổi. Ở xã Ia Kênh, nhà nào cũng trồng mai rừng, nhà ít thì trồng chơi vài cây, nhà trồng nhiều thì khoảng gần 1.000 cây.
Ông Luih chia sẻ: “Trồng cây mai cũng như của để dành, khi cần tôi sẽ bán bớt lấy tiền chi tiêu. Để tạo nguồn dự bị, tôi liên tục trồng cây mai con. Mỗi năm rẫy mai cho thu nhập 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn đi tìm kiếm và thu mua cây mai ở các huyện trong tỉnh thậm chí ở các tỉnh lân cận về để trồng hoặc bán lại cho những vườn mai và người chơi mai khắp nơi. Số tiền tích góp từ bán mai, gia đình tôi đã xây nhà ở hơn 500 triệu đồng. Từ đó, cuộc sống gia đình ổn định hơn rất nhiều. Cùng niềm đam mê này, cả 5 người con của tôi cũng trồng cây thuần và cả xen trong cà phê để cải thiện thu nhập cho gia đình”.
Cũng như ông Rơ Lan Luih, gia đình anh Kpă Ký ở làng O Sơ cũng có gần 300 gốc mai ở nhà và trên rẫy. Đây là quá trình anh sưu tầm và nhân giống từ những hạt mai trong làng. Hiện nay, gia đình anh đã làm xong giai đoạn nhặt lá, chờ bông nở đúng dịp Tết. Anh Kpă Ký kể: “Ngày xưa, mình thấy người lớn trong làng cột cành mai vào 2 bên xe máy, chở ra thành phố bán. Thấy có thu nhập đều đặn vào dịp Tết nên mình cũng trồng và nhân giống cây mai trong các vườn của gia đình. Mỗi khi vào dịp Tết, gia đình mình cũng bán cho người chơi mai được hơn 10 gốc cây, mỗi gốc mai có giá từ 1 - 3 triệu đồng. Từ đó, gia đình mình cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải sinh hoạt hàng ngày”.
Hàng năm, ngoài việc thu lượm hạt mai rụng về ươm thành cây con và giâm cành rồi mang ra trồng ở vườn, nhiều người dân ở Ia Kênh còn đi đến các vùng khác ở Tây Nguyên tìm mua mai về trồng rồi bán lại vào dịp Tết đến. Chính vì vậy, xã Ia Kênh vào dịp giáp Tết luôn rộn ràng người tới lui đào gốc mai bán.
Giờ đây, trồng và buôn bán mai rừng đang trở thành một nghề của người Gia Rai ở xã Ia Kênh. Nhờ vào nghề trồng mai quanh năm mà nhiều hộ gia đình ở xã Ia Kênh có khoản thu nhập ổn định, thoát cảnh nghèo khó.
Ông Kpă Duan - Bí thư Đảng uỷ xã Ia Kênh cho biết, xã Ia Kênh có hơn 80% dân số là đồng bào DTTS Gia Rai. Hiện nay, có 6 làng thuộc xã Ia Kênh đều trồng mai rừng trong khuôn viên nhà hoặc vườn rẫy. Bên cạnh đó, nhiều người dân của xã cũng rất tích cực trong việc phát triển và duy trì nghề trồng mai rừng bằng cách nhân giống hoặc tìm mua cây mai ở các nơi khác mang về trồng. Mỗi dịp Tết, mai rừng mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình và mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho hàng trăm hộ gia đình là người đồng bào nơi đây.
Viết bình luận