Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, để có được kết quả tích cực trong tín dụng chính sách, NHCS đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, bình xét cho vay, lựa chọn đối tượng và khảo sát nhu cầu vay vốn từ cấp thôn, thông qua mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn. Hơn 6.500 tổ tiết kiệm vay vốn đã tổ chức chuyển tải nguồn vốn tín dụng kịp thời đến bà con người nghèo và các đối tượng chính sách, giám sát và hướng dẫn bà con nhân dân sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh đã tham mưu cho UBND Thanh Hóa tiếp tục kiện toàn bộ máy và bổ sung nguồn vốn, phát huy hiệu quả tín dụng chính sách. Theo đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương năm 2024 tăng 122,7 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng chính sách đã giải ngân được doanh số cho vay là 1.754 tỷ đồng với trên 33.000 lượt hộ nghèo đối tượng chính sách được vay vốn. Dư nợ đến ngày 30/4/2024 đạt 14.339 tỷ đồng, tăng 545 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, có nhiều địa phương gần như không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của quốc gia nữa, nhưng nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, cũng như nhu cầu để giải quyết việc làm của người dân còn vô cùng lớn. Điều này đặt ra yêu cầu mở rộng đối tượng cho vay, quy mô nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách, nhằm đảm bảo sự bền vững cho kết quả giảm nghèo. Ông Hưng nhấn mạnh: "Ranh giới để hộ trung bình có thể trở thành hộ khá hoặc tái nghèo rất mong manh. Hôm nay là trung bình, nhưng chỉ cần một rủi ro về thời tiết, về thiên tai hoặc gia đình có một người đau, ốm bệnh hiểm nghèo là có thể tái nghèo. Cho nên tôi cho rằng chúng ta nên nghiên cứu để có chính sách cho những hộ có mức sống trung bình được tiếp cận với nguồn vốn để họ trung bình một cách bền vững và họ trở thành hộ khá giả.."
Viết bình luận