Trình diễn cây nêu của đồng bào trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc”
Thứ sáu, 10:54, 24/11/2023 Phương Cúc/VOV4 Phương Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Đến với Làng Văn hóa trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” du khách vô cùng mãn nhãn với màn trình diễn cây nêu của đồng bào.

 

Trình diễn cây nêu là một trong nhiều hoạt động trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 được gắn với những nghi thức, tập tục văn hóa đặc sắc của 6 dân tộc tiêu biểu của 6 tỉnh.

Về tham gia Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023. Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk xin giới thiệu đến quý vị Nghi lễ Ngă yang asei mlei, có nghĩa là (Lễ cúng mừng sức khỏe) của dân tộc Ê Đê. Lễ cúng gồm hai phần: phần thứ nhất cúng báo với ông bà tổ tiên; phần thứ hai Lễ cúng sức khoẻ. Bắt đầu vào lễ, dàn chiêng tấu bài Drông tuê, có nghĩa là (đón khách).

Lễ cúng sức khỏe là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ê Đê. Tổ chức lễ cúng sức khoẻ thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; là dịp để các thành viên trong dòng tộc được quây quần bên nhau...

Đặc biệt trong nghi lễ không thể thiếu cây Nêu là biểu tượng của tâm linh, người Ê đê gọi là Gơng drai. Cây Nêu như sợi dây kết nối với các vị thần linh để cầu xin phù hộ cho mọi người có nhiều sức khoẻ, cuộc sống an lành, sung túc. Lễ tổ chức lớn hay nhỏ, thời gian làm lễ ở độ tuổi 60 trở lên hay sớm hơn với những người có điều kiện. Đời người cúng ba, năm, hay bảy lần. Lễ vật dâng lên là gà, heo, hay trâu, bò, một ché rượu hay nhiều ché rượu còn tuỳ thuộc vào điều kiện từng gia đình.

Dân tộc Cơ tu, Đà Nẵng trình diễn cây Nêu với “Lễ ăn trâu mừng lúa nước” quan niệm kết nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh. Là nơi để tạ ơn trời đất, dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất về cõi vĩnh hằng.

Trong đời sống hằng ngày của người Cơ Tu, cây nêu và bàn lễ luôn chiếm vị trí quan trọng, không chỉ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, là vật thiêng liêng kết nối với thần linh, ông bà, và chuyển tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc mà còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian Cơ Tu.

Tỉnh Lai Châu mang đến “Lễ Then Kin Pang” của dân tộc Thái đen. Người Thái họ tin vào tồn tại của mường Then, họ xin được làm con nuôi của Then để được Then che chở, mong ngài ban cho sức khỏe không bị ốm đau.

Tiết mục cuối là “Lễ cúng sức khỏe” của dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk. Lễ vật dâng lên nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình. Cây Nêu với người Ê Đê là sợi dây gắn kết với các vị thần linh để cầu cuộc sống an lành, sung túc, khỏe mạnh.

Có thể thấy, việc trình diễn dựng cây nêu trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” đã tái hiện trình diễn cây nêu, nghi thức văn hóa đặc sắc, gắn với đời sống tâm linh, thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cơ hội là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết.

Trình diễn Lễ hội dựng cây Nêu của các đồng bào dân tộc thiểu số tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam"

 

 

Phương Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC