Tưng bừng Lễ hội Katê ở Ninh Thuận và Bình Thuận
Thứ tư, 13:44, 02/10/2024 Đoàn Sĩ/VOV TPHCM Đoàn Sĩ/VOV TPHCM
VOV4.VOV.VN: Sáng 2/10 (nhằm ngày 1 tháng 7 Chăm lịch), hàng ngàn đồng bào Chăm và du khách thập phương tập trung về khu tháp Po Klong Garai, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận và tháp Po Sah Inư, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận để tham dự Lễ hội Katê năm 2024.

Từ sáng sớm, các tuyến đường dẫn lên tháp Po Klong Garai đông nghẹt bà con đồng bào Chăm trong trang phục truyền thống. Các vị chức sắc Chăm theo đạo Bàlamôn dẫn đầu đoàn kiệu rước y trang Po Klong Garai (vị vua có công lao to lớn với đồng bào Chăm) từ làng Phước Đồng xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước lên tháp Po Klong Garai.

Theo sau đoàn kiệu là những cô gái Chăm múa quạt lễ duyên dáng, uyển chuyển theo nhịp trống Ginang, tiếng kèn Saranai. Trước sự chứng kiến của hàng ngàn người nô nức về bên ngôi tháp cổ kính, các chức sắc tôn giáo Bàlamôn thực hiện nghi lễ mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc y phục cho tượng thần, té nước lên tượng Siva…

Trong không gian tháp cổ, người đại diện cộng đồng Chăm bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn các vị thần linh, tổ tiên đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi gia đình được no ấm.

Trong khi các vị chức sắc làm lễ bên trong tháp, các gia đình không chỉ là người Chăm Bàlamôn mà nhiều gia đình Chăm theo Hồi giáo Bàni, cũng tổ chức bày lễ quanh tháp, thành kính tạ ơn trời đất, thần linh, các bậc tiền nhân.

Cùng với tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận, Lễ hội Katê sáng 2/10 cũng diễn ra ở tháp Po Sah Inư, tỉnh Bình Thuận. Sau khi lễ khai mạc Lễ hội Katê 2024, là nghi lễ nghinh rước y trang Nữ thần Po Sah Inư lên tháp chính.

Dự lễ khai mạc Lễ hội Katê 2024 tại tháp Po Sah Inư, ông Thông Kỳ, chức sắc Chăm ở khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết, ngoài sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên, lễ hội còn là dịp để đồng bào thắt chặt tinh thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, tinh thần hòa hợp, gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.

Ngoài phần lễ theo nghi thức truyền thống, phần hội được các địa phương tổ chức với các hoạt động như văn nghệ, các trò chơi dân gian, thể dục thể thao...

Lễ hội Katê diễn ra trong không gian rộng lớn đầu tiên là tại các đền tháp, sau đó đến các làng Chăm Bàlamôn và cuối cùng là các gia đình trong cộng đồng, với những nghi lễ tôn giáo, tạo thành một dòng chảy văn hóa nghệ thuật đặc sắc, phong phú và đa dạng.

Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bà La Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Katê đã trở thành điểm hẹn của những người yêu văn hóa Chăm và cũng là điểm đến của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước./.   

Đoàn Sĩ/VOV TPHCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC