Văn hóa Tây Nguyên bị biến dạng
Thứ ba, 00:00, 02/08/2016

(VOV) - Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu sự kiểm soát dẫn đến những tác động làm tan loãng, làm biến dạng các yếu tố văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia, cho rằng: “Quá trình công nghiệp  hóa, hiện đại hóa thiếu sự kiểm soát dẫn đến những tác động làm tan loãng, làm biến dạng các yếu tố văn hóa truyền thống của vùng đồng cào dân tộc nơi đây. Một yếu tố hết sức quan trọng nữa là không gian văn hóa của khu vực này đã bị tác động một cách nghiêm trọng đó là rừng càng ngày càng bị thu hẹp nó tạo nên những biến đổi về khí hậu tất yếu nó sẽ ảnh hưởng đến văn hóa xã hội”

Thông tin GS-TS Bình đưa ra tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên", diễn ra sáng 29/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, do Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với cơ quan đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao du lịch tại Đà Nẵng tổ chức.

 

Văn hóa cồng chiêng là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên. Ảnh: Công Bắc

 

97 tham luận được các đại biểu trình bày và gửi đến hội thảo đã thể hiện sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý về vấn đề bảo tồn phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên hiện nay. Các đại biểu nhìn nhận: những năm qua, cùng với đầu tư phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên ngày càng được quan tâm.

 

Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được khôi phục, bảo tồn. Nhiều đề tài nghiên cứu về văn hóa  như: sử thi, trường ca, các làn điệu dân ca, điệu múa, chế tác nhạc cụ đang được triển khai tích cực. Công tác phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng đã thu được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức của quá trình hội nhập.

 

Theo các đại biểu, Tây Nguyên cần xác định cụ thể mục tiêu và giải pháp chiến lược phát triển văn hóa vùng. Trong đó, tập trung bảo tồn phát huy vốn văn hóa các dân tộc thiểu số  tại chỗ trên cơ sở sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể; xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở; tăng cường giao lưu, tạo mối liên kết văn hóa trong vùng để phát huy giá trị văn hóa bền vững. Đặc biệt, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trong chính chủ thể văn hóa đó.

 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện Trưởng viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên nêu ý kiến: “Chính chủ nhân của nền văn hóa truyền thống này, hơn ai hết, phải có trách nhiệm. Trách nhiệm đó được khơi dậy khi những nhà nghiên cứu, những nhà quản lý khoa học, những người làm tổ chức phải tạo ra môi trường khơi dậy cho họ ý thức đó chứ không phải ai khác. Chính người dân tộc thiểu số tại chỗ mới là yếu tố quyết định đến sự bảo tồn và phát huy các giá trị này”.

 

 

 

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC