Báo động nạn tảo hôn ở Krông Pa
Thứ hai, 00:00, 27/11/2017
VOV4.VN - Ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nhiều em gái mới chỉ 14, 15 tuổi đã nghỉ học để lấy chồng, sinh con. Mỗi năm, ở huyện này có từ 100-150 trường hợp tảo hôn.

 

Năm nay mới 16 tuổi, nhưng em Ksor H’Nam, ở buôn Choanh, xã Uar, đã làm vợ được 2 năm và là mẹ của đứa con hơn 1 tuổi còi cọc. H’Nam kể: sau khi sinh con được hơn 3 tháng thì gia đình thiếu ăn nên không có sữa cho con bú, bé bị suy dinh dưỡng. Để thay sữa, hàng ngày em nấu cháo gạo cho con ăn;  thậm chí nhiều hôm gạo cũng không có để mà nấu.

Lý do lấy chồng của H’Nam rất đơn giản: thích nhau thì lấy thôi. Gia đình hai bên cũng đồng ý, nhưng do không đăng ký kết hôn, nên chính quyền và ngành chức năng không can thiệp. Ksor H’Nam cho biết, sau 2 năm lấy chồng, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn.

“Em lấy chồng từ năm 14 tuổi, cuộc sống của em bây giờ rất là khổ, không có đất làm ăn. Chồng thì đi lang thang không lo cho vợ con. Nhiều hôm không có gạo ăn, con cái thì đau ốm, bệnh tật. Em rất là hối hận, em mong mọi người đừng có mắc sai lầm như em”, H’Nam tâm sự.

Ksor H'Em ở buôn Chai, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, là một trong số rất nhiều học sinh bỏ học lấy chồng 

Xã Ia Rmok cũng là địa phương đang “nóng” về tình trạng tảo hôn ở huyện Krông Pa. Trường hợp Rơ Lan H’Riếm ở buôn H’Nga, xã Ia Rmok, là một ví dụ. Cách đây 3 năm, khi đang hợp lớp 8 thì em bỏ học để “bắt chồng”. Rơ Lan H’Riếm cho biết, từ khi lấy chồng đến nay, cuộc sống gia đình diễn biến phức tạp. Hai vợ chồng không có việc làm, hàng ngày vợ cõng con đi chăn bò cho bố mẹ, còn chồng thì chẳng chịu làm mà chỉ đi chơi và uống rượu.

Theo thống kê, trong năm 2016, Krông Pa có hơn 150 trường hợp tảo hôn; còn từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng  đã phát hiện hơn 100 trường hợp.

Ông Đỗ Đức Trình – Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Krông Pa, cho biết, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, thời gian qua Trung tâm cũng đã có rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, như trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là phong tục tập quán của bà con chưa thay đổi nhiều; sự can thiệp của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt.

“Có nhiều nguyên nhân tảo hôn xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là phong tục từ trước đến nay của đồng bào. Có nhiều học sinh đã nghỉ học để lấy chồng, chủ yếu 16,17 tuổi là đã có chồng”, ông Trình cho biết.

Dù cơ quan chức năng nêu ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, nhưng tình trạng mỗi năm có hàng trăm trường hợp như ở huyện Krông Pa là rất đáng báo động. Thực tế này cho thấy việc kiểm soát tình trạng hôn nhân ở đây chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

 

 

 

CTV Văn Chi




 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC