Người dân Đắk Lắk làm theo gương Bác
Thứ hai, 00:00, 18/05/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều người dân nghèo tại Đắk Lắk càng trở nên khó khăn. Trong cơn khốn khó ấy những nghĩa cử cao đẹp đã xuất hiện ở nhiều nơi. Phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo cứu đói”, tinh thần tương thân tương ái của Bác Hồ kính yêu 75 năm trước lại được các thế hệ con cháu ngày nay tiếp nối.

 

Cầm 100 triệu đồng đến trụ sợ UBND xã Cư Ea Bua, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vợ chồng anh Đào Văn Nhân, ở buôn Đung, xã Cư Ea Bua cho biết: đây là số tiền anh tiết kiệm trong vòng 3 năm qua.

Vợ chồng anh Đào Văn Nhân trao 100 triệu đồng hỗ trợ địa phương trong công tác chống dịch Covid 19 - Ảnh: VOV

Từ số tiền 100 triệu đồng do vợ chồng anh Nhân hỗ trợ, ủy ban xã Cư Ea Bua đã dành một phần để mua thuốc xịt khuẩn, khẩu trang y tế cho các nhân viên y tế làm nhiệm vụ chống dịch và mua gạo cùng với nhu yếu phẩm tặng cho 100 hộ nghèo trên địa bàn xã. Anh Nhân cho biết, tất cả đều xuất phát từ việc anh học và làm theo phong trào hũ gọi cứu đói của Bác Hồ.

“Từ trước đến giờ tôi cũng có suy nghĩ là sẽ làm việc gì đó có ích cho cộng đồng, cũng từ lâu rồi, cứ tích góp hàng ngày, hàng ngày để dành lại như thế. Thực ra kinh tế cuả vợ chồng mình cũng ở mức bình thường, nhưng số tiền này mình để dành rất là lâu rồi và mục đích có sẵn rồi nên khi dịch bệnh xảy ra thì mình đập ống heo để ủng hộ. Số tiền này tôi muốn hỗ trợ cho những người trực tiếp làm công tác chống dịch và ủng hộ cho những hộ có hoản cảnh khó khăn”.

Cũng xuất phát từ việc học và làm theo chương trình “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo cứ đói” do Bác Hồ phát động từ những năm 1945, ngày 13-4, cây ATM gạo nghĩa tình đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên được triển khai tại Đắk Lắk.

Chương trình do  Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đắk Lắk, Ban quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và Công ty TNHH Thương mại và Du Lịch Ngày Mới phối hợp tổ chức. Chương trình này ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của người dân trên địa bàn.

Thay vì cây ATM để rút tiền, người dân nghèo cần hỗ trợ sẽ đến xếp hàng, mỗi lượt, cây “ATM gạo” sẽ tự động phát ra 2 kg gạo cho mỗi người đến lấy.

Người dân nghèo khó đến cây ATM gạo nghĩa tình tại Đắk Lắk để nhận gạo - Ảnh: VOV

Sáng kiến này cũng đồng thời nhận được sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân, nhiều người đã tự nguyện chở gạo đến để góp vào cây “ATM gạo” phát cho người nghèo, làm cho nguồn cung cấp gạo ngày càng dồi dào hơn.

Lan tỏa tinh thần thiện nguyện này, từ ngày 13 đến ngày 30 tháng 4 vừa qua 8 cây ATM gạo lần lượt xuất hiện tại một số huyện tại Đắk Lắk, với số gạo vận động được hơn 100 tấn gạo. Nhiều người khó khăn, nghèo khổ nhờ đó mà có gạo ăn, có sức chống dịch và từng ngày vượt qua dịch bệnh.

Anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột là người góp công lớn cho thành công của cây ATM  gạo nghĩa tình tại Đắk Lắk.

Anh cho biết: “Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách vốn là truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay. Quan điểm của Bác Hồ về tinh thần tương thân tương ái chính là kim chỉ nam mà các tổ chức thiện nguyện nên xem đó là bí quyết vận hành. Chương trình ATM gạo nghĩa tình là câu chuyện để truyền cảm hứng, cái máy không phải là vật thần kỳ vì nó không đẻ ra gạo mà cái máy đã giúp kết nối những tấm lòng tử tế lại với nhau.”

Trong đại dịch Covid- 19, không chỉ những người lao động nghèo khó bị ảnh hưởng và cn sự giúp đỡ, những nông dân trồng các mặt hàng nông sản tại Đắk Lắk cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặc biệt khi những mặt hàng nông sản lại đang đến kỳ rộ thu hoạch.

Trước tình trạng đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay kích cầu thị trường, tiêu thụ một phần nông sản với mong muốn giúp nông dân thoát khỏi một vụ mùa “trắng tay”.

Điển hình trong việc giải cứu nông sản cho nông dân trong mùa dịch là Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên do chị Nguyễn Thị Xuân Hương làm Giám đốc.

Xuất thân từ cán bộ Hội nông dân, chị Hương thấu hiểu những mất mát của nông dân mỗi khi đến vụ mùa mà không tiêu thụ được sản phẩm nên chị Hương đã lặn lội khắp các vùng trồng dưa hấu, bơ, vải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để khảo sát thực tế.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương đến từng ruộng dưa để khảo sát và tìm hướng giải cứu cho nông sản - Ảnh: VOV

Sau khi nắm được sản lượng của các mặt hàng nông sản, chị Hương tiến hành kết nối với cửa hàng thực phẩm, siêu thị tại  thành phố Buôn Ma Thuột và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce thuộc Tập đoàn Vingroup  để tiêu thụ nông sản cho người dân.

Chị Hương cho rằng, cái được lớn nhất mà chị và các cộng sự đạt được trong đợt giải cứu nông sản chính là nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Chị Hương cho biết: “Sau Chiến thắng đại dịch Covid và sau những việc làm thiện nguyện trong thời gian hỗ trợ cho người nghèo cũng như các công tác xã hội khác như hỗ trợ nông dân giải cứu nông sản thì nhận thấy tinh thần học tập Bác Hồ trong mỗi cá nhân, trong mỗi con người Việt Nam vốn tiềm tàng từ những việc rất nhỏ và niềm kiêu hãnh về nó càng ngày càng lớn. Đó là tinh thần tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam cũng như tấm gương sáng của Hồ Chí Minh về sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam trong những lúc khó khăn nhất.

Từ câu chuyện Bác Hồ kêu gọi tinh thần sẻ cơm nhường áo trong cả nước từ  năm 1945 nay được thế hệ con cháu tiếp nối và phát huy trong cơn đại dịch Covid 19.

Những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp này đã góp phần san sẻ yêu thương, làm ấm lòng biết bao người nghèo, những người còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, vun đắp thêm truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc./.


Nam Trang/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC