Tăng cường kiểm soát buôn bán ngà voi và các loài động vật hoang dã
Thứ năm, 00:00, 26/12/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Ngoài chế tài xử phạt nghiêm minh hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép thì cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội để có những hành động thiết thực bảo vệ động vật hoang dã.

 

Trong 3 ngày (25 - 27/12), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức Chương trình Tập huấn Tăng cường kiểm soát buôn bán ngà voi và các loài hoang dã cho các đại biểu là kiểm lâm, công an, cảnh sát môi trường, hải quan  các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Bình Phước. 

(Ảnh minh họa - Nguồn: Intetnet)

Các đại biểu được tập huấn về các nội dung: Buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; Các thủ đoạn buôn lậu, giấu hàng; Nhận dạng ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, vảy tê tê và giới thiệu các tài liệu nhận dạng; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp  và  nhận dạng các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và các loài được pháp luật bảo vệ thường xuyên bị buôn bán. 

Các chuyên gia cũng thông tin về các văn bản, chính sách pháp luật quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

(Ảnh minh họa - Nguồn: Intetnet)

Trong chương trình tập huấn, các đại biểu còn thảo luận về buôn bán động vật hoang dã và thách thức trong thực thi pháp luật tại các tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm trong đánh án, khởi tố hình sự, xử lý tang vật; đi thực địa hiện trường và xử lý các vụ vi phạm.

Chỉ hơn 10 năm trước, Tây Nguyên là vùng được đánh giá có tính đa dạng sinh học bậc nhất trong 200 vùng đa dạng sinh học trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay các loài động vật hoang dã đã giảm sút nghiêm trọng. 

Một trong những nguyên nhân chính khiến động vật quý hiếm ngày càng cạn kiệt là tình trạng săn bắn, mua bán động vật rừng vẫn diễn ra phổ biến. 

Nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm về động vật hoang dã bất hợp pháp, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, hổ, gấu, tê tê đang thúc đẩy vấn nạn săn trộm cũng nhu buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã không chỉ ở Tây Nguyên.

Trong vòng 40 năm qua, voi từ 1500 cá thể bây giờ chỉ còn hơn 100 cá thể trong hoang dã, tương đương 95% cá thể voi đã bị mất, theo đánh giá của các chuyên gia, voi đã và đang bị tuyệt chủng về mặt sinh thái. Tê giác thì đã bị tuyệt chủng.

(Loài tê giác đã bị coi là tuyệt chủng -Nguồn: Internet)

Để giảm thiểu tình trạng này, ngoài chế tài xử phạt nghiêm minh hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép thì cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội để có những hành động thiết thực bảo vệ động vật hoang dã./.

 

Nam Trang/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC