Tảo hôn và hôn nhân cận huyết, những hệ lụy khôn lường
Thứ tư, 00:00, 27/12/2017 Việt Phú +2  ảnh Việt Phú +2 ảnh
VOV4.VN - Sau 3 năm thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số”, tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều nơi, dẫn đến những hệ lụy và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dân số. Một trong những hệ lụy là bệnh di truyền như tan máu bẩm sinh, mang thai dị tật, bạch tạng và tăng tỷ lệ trẻ em bị chết sau khi sinh.

 

Những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết

 

Năm nay mới 16 tuổi, nhưng em Ksor H’Nam ở buôn Choanh, xã Uar, Krông Pa, Gia Lai, đã làm vợ được 2 năm và là mẹ của đứa con hơn 1 tuổi, nheo nhóc còi cọc. H’Nam tâm sự: sau khi sinh con được hơn 3 tháng, gia đình thiếu ăn nên không có sữa cho con bú. Do đó cháu bị suy dinh dưỡng. Để thay sữa cho con, hàng ngày em nấu cháo gạo cho con ăn; thậm chí nhiều hôm gạo cũng không có để mà nấu.

Lý do lấy chồng của H’Nam rất đơn giản, thích nhau thì lấy thôi. Gia đình hai bên cũng đồng ý, nhưng do không đăng ký kết hôn, nên chính quyền và ngành chức năng không can thiệp. Ksor H’Nam cho biết, sau 2 năm lấy chồng, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn.

Anh Lù Văn Sang và chị Lù Thị Chỉnh, người Thái, ở Sơn La, là họ hàng, lấy nhau hơn 5 năm. Giờ đây anh chị đã có hai đứa con nhưng thời gian nằm viện của hai đứa trẻ nhiều hơn thời gian ở nhà. Chúng bị tan máu bẩm sinh thể nặng, hàng tháng phải truyền máu để duy trì sự sống. Ngặt nỗi tiền không có, bệnh viện lại xa, không được truyền máu thường xuyên nên con anh cứ héo như tàu lá.

Hình ảnh các cháu nhỏ bị tan máu bẩm sinh. Ảnh: VP

Trường hợp của chị H’Nam và anh Lù Văn Sang chỉ là hai trong nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang diễn ra ở vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là nguyên nhân gây ra những bệnh di truyền và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số. Tiến sỹ bác sỹ Đoàn Kim Phượng, Trung tâm di truyền - Đại học y Hà Nội, cho biết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết dẫn đến nhiều hệ lụy như không có khả năng sinh sản, bị dị tật và tỷ lệ tử vong rất cao

Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Ủy ban Dân tộc cho thấy: tỷ lệ tảo hôn nói chung của các dân tộc thiểu số vẫn còn rất cao, lên đến gần 27%.  Đặc biệt, một số dân tộc như: Mông gần 60 %, Xinh Mun hơn 56%, La Ha gần 53 %, Gia Rai 42%, Raglay 38,%, Bru-Vân Kiều gần 39%... Hôn nhân cận huyết thống tồn tại chủ yếu ở một số dân tộc có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và sống biệt lập như Mạ, Mảng, Mnông, Xtiêng, đều ở mức từ gần 4-5%.

 

Hành động trước khi quá muộn

 

Hàng ngày, tại trung tâm tan máu bẩm sinh, Viện Huyết học truyền máu TƯ có tới 1500 lượt bệnh nhân đến khám. Đa phần họ là người dân tộc thiểu số. Chị Bùi Thị Tân, người Mường, ở Tân Lạc, Hòa Bình, sinh cháu đầu thấy con xanh xao, yếu ớt, lại bị vàng da, tưởng cũng bình thường. Ai ngờ xuống viện Huyết học mới biết cháu mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Chị đang lo lắng cho đứa thứ hai sắp sinh không biết sẽ như thế nào.

Một buổi tư vấn về căn bệnh tan máu bẩm sinh ở Viện Huyết học truyền máu TƯ. 

Hàng ngày, tại Trung tâm tan máu bẩm sinh, Viện Huyết học Truyền máu TƯ tổ chức tư vấn về căn bệnh này. Theo thạc sỹ Vũ Hải Toàn, Phó giám đốc Trung tâm, những buổi tư  vấn này thực sự hiệu quả bởi họ hiểu thế nào là căn bệnh tan máu bẩm sinh và hướng điều trị, cũng như phòng bệnh.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Hà, Giám đốc trung tâm tan máu bẩm sinh chia sẻ. Giờ là lúc phải hành động, vận dụng tất cả nội lực của cộng đồng để có những biện pháp phòng bị tốt hơn. Tiến sỹ bác sỹ Đoàn Kim Phượng, Trung tâm di truyền Đại học y Hà Nội đưa ra lời khuyên, để chất lượng dân số được tốt hơn thì việc tư vấn xét nghiệm tiền hôn nhân là vô cùng cần thiết.

 

         

 

 

Việt Phú/VOV4

 

Việt Phú +2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC