Tỷ lệ tảo hôn tăng cao ở nhiều nhóm dân tộc thiểu số
Thứ ba, 00:00, 21/11/2017
VOV4.VN - Các nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trung bình hơn 26%. 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên. Tỷ lệ trẻ em nữ dân tộc thiểu số cao gấp 3-4 lần trẻ em nam” - Đây là những số liệu được đưa ra trong Hội thảo “Chia sẻ kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015”.

 

Kết quả phân tích số liệu từ cuộc khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm dân tộc thiểu số và giữa các nhóm dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực. Phụ nữ dân tộc thiểu số chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

Các nhóm dân tộc thiểu số bị bất lợi so với nhóm dân đa số về giáo dục và việc làm, khả năng chuyển đổi nơi ở, chỗ làm, tiếp cận các dịch vụ tài chính, các nguồn lực sản xuất như đất đai, tiếp cận thị trường, do bị gắn với khuôn mẫu cũng như các rào cản văn hóa khác.

Đặc biệt, thực trạng bất bình đẳng giới, nạn tảo hôn và bạo lực gia đình vẫn diễn ra ở nhiều nhóm dân tộc như Ê đê, Mnông, Gia Rai, Mông, Mường…; ở một số xã, vùng dân tộc thiểu số như xã Trà Bùi (Trà Bồng, Quảng Ngãi), xã Xá Nhè (Tủa Chùa, Điện Biên), xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang)… Có 10 nhóm dân tộc có tỷ lệ tảo hôn lên đến 45%. Cá biệt, có 6 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 50% như dân tộc Brâu, Rơ Măm, La Ha, Xinh Mun, Ơ Đu.

Hội thảo chia sẻ kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số do Ủy Ban dân tộc, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức sáng 21/11, tại Hà Nội.

Bà Chu Thúy Liên, Phó Ban dân tộc tỉnh Điện Biên, cho biết: “Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến nạn tảo hôn là do tập quán văn hóa của các dân tộc, do thiếu hiểu biết và do cha mẹ hứa gả. Chính vì vậy nên Đảng, Chính phủ và các ban, ngành chức năng, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc, tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhân thức cho trẻ em từ rất sớm, phải đưa vấn đề này vào trong trường hợp từ cấp 2 và tăng cường tuyên truyền về tác hại của vấn đề sinh sản vị thành niên”.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam, cho rằng, các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa được phân tích một cách hệ thống, gây cản trở cho việc xây dựng, thực hiện, giám sát các chính sách, chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số một cách bền vững. Việc lồng ghép phát triển dân tộc thiểu số trong hoạch định chiến lược quốc gia không thể thực hiện nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về các vấn đề giới ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Vì vậy, việc đáp ứng các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, với 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước. Mặc dù vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích cả nước, nhưng mật độ dân số thấp, địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, tỷ lệ đói nghèo cao hơn nhiều lần so với bình quân chung cả nước.

 

 

Kim Thanh/VOV-Trung tâm Tin

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC