VOV4.Bahnar - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang là yêu cầu đặt ra và là xu thế trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Gia Lai, nhiều nông dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những cây ngắn ngày sang cây ăn trái và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Giữa mùa khô, trong lúc cả vùng bạt ngàn mía đang khô quắt thì những vườn cây ăn trái của các hộ dân ở xã Cư An thuộc khu vực Núi Đá Lửa trở nên nổi bật bởi màu xanh. Đứng cạnh những cây quýt đường đang trĩu quả, chuẩn bị thu hoạch, ông Phạm Văn Đông, xã Cư An, phấn khởi cho biết, mới bước vào năm thứ ba nhưng vườn quýt của ông cho năng suất rất cao, giá bán lại tốt, bình quân từ 20.000-30.000đồng/kg, có thời điểm, lên tới 40.000đồng/kg. Quýt chất lượng cao nên thương lái cũng tìm đến tận vườn để mua, gia đình ông không phải chở đi đâu bán. Theo ông Đông, giống quýt đường này ông đặt mua ở miền Nam và cũng tốn nhiều công sức tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để gây trồng: “Đất của tôi là đất giông đá, trồng mía không được mà trồng hoa màu thì lỗ nên tôi chuyển đổi cây trồng. Chuyển cơ cấu cây trồng thế này thấy là có hiệu quả. Cái này trước tiên là vốn, với lại kỹ thuật nữa chứ không có kỹ thuật thì mình không làm được. Mình mua sách về đọc rồi nghe Đài hướng dẫn mình làm.”
Cùng với quýt, trên diện tích 3,5ha, ông Phạm Văn Đông trồng nhiều loại cây ăn trái khác nữa như bơ, na, bưởi, cam. Việc đa dạng hóa cây trồng giúp ông có nguồn thu ổn định quanh năm với mức bình quân từ 350-400 triệu đồng mỗi năm: “Nói chung đất ở đây là trồng cây gì cũng được, cam, quýt, bưởi, các loại cây ăn trái là được hết. Đa số là nó không mất mùa, toàn bộ là có lãi hết, lãi ít hay nhiều thôi. Bình quân 1 ha là lãi 100triệu/năm.”
Cách vườn cây ăn trái của ông Đông không xa là vườn na rộng 3ha của gia đình anh Ngô Văn Tiến. Anh Tiến là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Cư An. Trước đây, trên diện tích này, anh Tiến trồng cây mía và cây dưa hấu nhưng hiệu quả kinh tế thấp và bấp bênh. Thế rồi anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng xoài nhưng thất bại bởi thiếu kỹ thuật. Quyết tâm chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, anh Tiến dành thời gian gần 2 năm đi tận miền Nam học hỏi kinh nghiệm, khi quay trở về anh quyết định trồng cây na. Trong 10 năm qua, vườn na của anh phát triển ổn định và cho thu nhập tương đối cao: “Vườn na này đầu tư một số được 10 năm, một số được 7 năm. Thời gian đầu tư chăm sóc thì mất khoảng 3 năm thì có trái. Khi có trái rộ rồi thì một năm mình thu 300-400 triệu đồng. Còn chi phí thì 40-50 triệu đồng gì đó. So ra với cây mía thì cây na này kinh tế phải cao hơn gấp 2-3 lần.”
Cư An là xã thuần nông với diện tích đất nông nghiệp gần 2.700ha. Trên địa bàn, bà con chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như mía, sắn, ngô hay dưa hấu, hiệu quả kinh tế thấp. Từ đó, nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển hướng sang trồng cây ăn trái gồm các loại cây như bưởi, cam, quýt hay na, bơ, sầu riêng. Việc chuyển đổi này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và diện tích cây ăn trái trên địa bàn hiện đã đạt gần 100ha. Ông Đỗ Quang Hoàng Hiệp, cán bộ nông nghiệp xã Cư An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai, cho biết, diện tích cây ăn trái ở xã đang tiếp tục tăng vì chính quyền xã và huyện đang có chủ trương hỗ trợ nông dân đầu tư: “Thực hiện chương trình nông thôn mới, chuyển đổi cây trồng thì năm 2017, từ nguồn ngân sách huyện thì đã đầu tư cho 10 hộ vay vốn đầu tư, nhân rộng mô hình trồng cây na. Bên cạnh đó, bà con cũng đã mạnh dạn chuyển đổi, trồng các loại cây như bơ sáp, cây bưởi da xanh, sầu riêng nhưng chủ lực vẫn là cây na.”
Mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động và tích cực học hỏi kinh nghiệm để áp dụng thực tiễn, đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân tại xã Cư An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai. Đây là những mô hình hay, đáng để nhân rộng trong bối cảnh ngành nông nghiệp ở địa phương còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Lan chih păng rapor
Viết bình luận