Mỗi tối, sau giờ lao động, bà Đinh Thị Dân cùng các bà, các chị trong thôn lại í ới gọi nhau đến nhà văn hoá xã Dân Chủ (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) để cùng tập hát then. Không phải câu hát nào cũng đều, cũng hay, nhưng người thạo hơn thì dạy lại người chưa rành, ai cũng chăm chú ngân theo điệu hát rộn ràng, dập dìu.
Bà Dân kể: "Khi tôi lớn lên đã thấy các cụ hay hát then, như cụ tôi ngày xưa hay mặc áo nâu, hát bằng tiếng Tày. Giờ đây những dịp ngày hội địa đoàn kết thì mình học lại, mày mò học hỏi bản sắc của mình ngày xưa. Chúng tôi thành lập các tổ rồi cùng nhau học, dần dần khôi phục lại. Những bài nào có tiếng Tày thì thích lắm, đam mê lắm, vì là bản sắc của mình mà".
Không chỉ có bà Dân tự hào về văn hoá của mình. Ở xã Dân Chủ có khoảng 1.300 nhân khẩu, gần 290 hộ nhưng có hơn 90% là người dân tộc Tày. Cách trung tâm thành phố Hạ Long gần 30km, những thôn làng của người Tày đan xen dưới chân núi Con Phượng, bên dòng suối Cốc Mương, giữa cánh đồng Rinh, cánh đồng Mưa xanh mát tựa như một bức tranh.
Ông Dương Văn Trọng, 59 tuổi, người có uy tín trong đồng bào DTTS kể, người Tày nơi đây vốn sinh sống ở vùng cao xã Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ cũ, nay thuộc TP Hạ Long). Những năm 1950, để tránh nạn thổ phỉ, bà con dạt tận mạn Sơn Động, Bắc Giang. Tới năm 1954, khi hoà bình lập lại, theo lời kêu gọi của các chi bộ Đảng, người Tày trở về đất xưa nhưng đã chọn vùng thấp hơn để làm ăn sinh sống, hình thành nên xã Dân Chủ hiện nay. Say sưa kể về những nét văn hoá đặc sắc được ông cha truyền lại, ông Trọng nhớ nhất những lễ tết trong năm.
Ông Trọng nói: "Mùng 3/3 thì đi đánh trứng kiến, nấu xôi lá thau có màu tím. Rồi mùng 5/5 Tết Đoan ngọ, Rằm tháng Bảy, tết Bánh giày 10/10. Tôi lớn lên nhớ có tết Cơm mới có nhiều nét độc đáo. Ăn vào tháng 8, chọn ngày con rắn, nấu nồi canh với tôm ốc. Hôm cúng thì ra đồng, tháng 8 lúa hơi cúi thì lấy 3 bông lúa cho vào nồi cơm hấp để cúng, rồi người già gắp con ốc trong nồi lên và khen “mẩy quá”, để mong cho thóc lúa mẩy, được mùa".
Thế nhưng, giọng ông Trọng như chùng lại, theo thời gian, rất nhiều phong tục tốt đẹp ấy đã dần dần bị mai một.
Những người cao tuổi trong các dòng họ như ông Dương Văn Trọng không khỏi tiếc nuối, do chiến tranh loạn lạc, rồi nhiều người chỉ tập trung vào phát triển kinh tế nên có phần xao nhãng tiếp nối văn hoá cha ông. Như một số phong tục hiếu hỷ, hay lễ Cơm mới, nghề đan lát, câu then tiếng tính… hầu như không còn. Rồi tiếng nói, từ thế hệ con rồi cháu, trong số những thanh thiếu niên hiện nay không có nhiều người thành thạo tiếng mẹ đẻ.
Trăn trở đó không chỉ của người Tày mà còn của cả các cấp uỷ, chính quyền xã Dân Chủ. Những năm gần đây, khi kinh tế ngày càng ổn định thì câu chuyện về khôi phục, bảo tồn văn hoá người Tày địa phương càng được quan tâm, đặc biệt là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 17 về Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Đảng uỷ xã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai rộng rãi từ cấp uỷ, chính quyền, MTTQ đến các đoàn thể, nhất là uy tín của các dòng họ để phổ biến tới nhân dân. Năm 2023, việc khuyến khích may trang phục Tày được hơn 200 người dân hưởng ứng nhiệt tình, sắc áo chàm tím giúp bà con thêm nổi bật. Trước đó, những CLB sinh hoạt văn hoá, thể thao cũng được mở rộng, người Dao, người Kinh cũng cùng tham gia hát then, múa Tày. Như bà Nguyễn Thị Bưởi, người Kinh làm dâu ở Dân Chủ hơn 40 năm luôn rất tâm huyết với tổ hát then, thường xuyên tổ chức giao lưu, giúp hình ảnh người Tày Dân Chủ được lan toả.
Bà Bưởi chia sẻ: "Chúng tôi tham gia nhiều hoạt động tại thành phố, các phường, các xã lân cận, rồi Hội Lồng tồng (xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ), gần như tháng nào cũng có chương trình, giao lưu thể dục thể thao và hát then. Chúng tôi rất phấn khởi ủng hộ, việc khôi phục là rất đúng đắn, để con cháu mình về sau được thừa hưởng".
Bà Hoàng Thị Hồng Nghĩa, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Dân Chủ cho rằng, sự đoàn kết và đồng lòng của người dân là “chìa khoá” để Dân Chủ thực hiện tốt Nghị quyết 17, trong đó có việc bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Tày địa phương. Thành phố Hạ Long cũng đã có Đề án “Hạ Long – thành phố của những lễ hội”, trong đó phục dựng lại lễ hội Cơm mới của người Tày xã Dân Chủ từ năm 2025. Từ năm học 2024-2025, địa phương cũng khuyến khích học sinh tại 2 nhà trường mặc trang phục truyền thống vào các ngày cố định trong tuần, tiếp tục mở rộng các tiết học tiếng Tày cho cấp tiểu học, THCS.
Bà Hoàng Thị Hồng Nghĩa khẳng định: "Chúng tôi cho rằng bắt đầu từ trang phục, các em khi mặc sẽ nhân lên lòng tự hào để lưu giữ văn hoá của mình. Các cán bộ, CCVC, Đảng viên đi đầu dạy cho con cháu tiếng nói của mình. Chúng tôi cũng đang đề xuất xây Nhà bảo tồn văn hoá Tày để bà con đến sinh hoạt, giao lưu, lưu giữ 1 số vật dụng, phục hồi 1 số nhà dân đi kèm để vừa phát huy bản sắc văn hoá, vừa mang lại thu nhập cho nhân dân".
Xã Dân Chủ đã về đích Nông thôn mới từ năm 2021 và đang hướng tới Nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống người dân ngày một nâng cao, thu nhập từ nông lâm nghiệp và các ngành khác từ 120-140 triệu đồng/người/năm. Việc giữ gìn văn hoá của người Tày nơi đây, như ông Dương Văn Trọng nhắc nhở, phải như “cơm ăn áo mặc hàng ngày”. Qua thời gian, những sắc màu văn hoá ấy sẽ lan toả, đóng góp vào văn hoá của con người Hạ Long đến với bè bạn trong nước và quốc tế./.
Viết bình luận