Đây là hoạt động nhằm triển khai hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nghề thủ công truyền thống trong đồng bào nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống; động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Theo đó, trong quý IV năm 2023, Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức tập huấn, truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại Trà Vinh và dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm tại An Giang.
Hoạt động này góp phần truyền dạy, bảo tồn tri thức dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vai trò của nghề thủ công truyền thống trong phát huy thế mạnh địa phương, thu hút nguồn vốn đầu tư; phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần phát triển văn hóa, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long..
Cụ thể, lớp truyền dạy chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer sẽ diễn ra tại huyện Châu Thành (Trà Vinh), với sự tham gia của 54 học viên là người Khmer dưới sự hướng dẫn, đào tạo của 2 Nghệ nhân Ưu tú nắm giữ nghề chế tác mão, mặt nạ, nhạc cụ và có kinh nghiệm trong truyền dạy trình diễn nghệ thuật truyền thống.
Tại An Giang sẽ diễn ra lớp truyền dạy nghề thủ công dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu với sự tham gia của 63 học viên. Các học viên sẽ được 4 nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống truyền dạy quy trình, kỹ năng tạo hình dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Chăm.
Nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Khmer và Chăm ở Trà Vinh và An Giang là di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây là nét văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào, góp phần tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, của nền văn hóa Việt Nam nói chung.
Viết bình luận