Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, 83 tuổi ở xóm Chăm (thuộc tổ 7) là người nổi tiếng tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có chiêng Mường. Những năm qua, với vai trò hạt nhân nòng cốt, ông đã xây dựng 1 đội cồng chiêng (dàn chiêng sắc bùa) mà dòng họ, con cháu và những người dân trong tổ là những thành viên tích cực.
Đội cồng chiêng hiện có hơn 30 thành viên, trong đó nhiều thành viên tuổi đời chỉ ngoài đôi mươi. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nghệ nhân Nguyễn Văn Thực đã tham gia hướng dẫn, truyền dạy để có thêm nhiều cháu con biết đến, yêu mến và lan tỏa các làn điệu chiêng của người Mường.
Ngoài đội cồng chiêng xóm Chăm, nhiều đội văn nghệ xóm, khu dân cư trên địa bàn phường cùng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị chiêng Mường. Các đội thường xuyên sinh hoạt và biểu diễn như đội xóm Sảy (tổ 6), xóm Trại (tổ 4)...
Các đội văn nghệ không chỉ thu hút người cao tuổi, phụ nữ mà còn hấp dẫn những người trẻ tuổi cùng tham gia tập luyện, biểu diễn. Nhờ có hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần này mà đời sống nhân dân các khu dân cư thêm khăng khít, mang tính cộng đồng.
Là người thường xuyên được mời đi truyền dạy diễn tấu chiêng Mường mở tại tỉnh và đặc biệt tâm huyết với chiêng Mường, anh Bùi Ngọc Tú, giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc cho biết: Gần đây, đã có nhiều lớp học chiêng Mường được mở nhằm truyền dạy kỹ năng, nghệ thuật đánh chiêng.
Riêng ở phường Thái Bình, anh Tú và các nghệ nhân Nguyễn Văn Thực ở xóm Chăm, Bùi Thanh Bình ở xóm Sảy đã cùng trao đổi, đàm đạo và hướng dẫn, truyền dạy theo hướng kết hợp giữa hiểu biết của các nghệ nhân và vốn sưu tầm được để việc học các bài chiêng nhanh hơn, hào hứng hơn.
Đã có thời kỳ, văn hóa chiêng của người Mường bị mai một. Nỗ lực góp phần cùng với cộng đồng người Mường Hòa Bình trong bảo tồn, phát huy giá trị chiêng Mường, cán bộ phường Thái Bình đã tập trung vào việc mở các lớp truyền dạy, đồng thời tuyên truyền, khích lệ người dân tham gia, đưa hoạt động biểu diễn, trình tấu chiêng trở thành món ăn tinh thần đặc sắc ở địa phương.
Đặc biệt, hiện nay, những làn điệu chiêng đã được đánh thức, phát huy mạnh mẽ trong những dịp lễ, Tết, hội hè. Các đội cồng chiêng của phường thường được chọn đi biểu diễn trình tấu tại các sự kiện lớn của thành phố, của tỉnh và giao lưu tại một số tỉnh bạn như Ninh Bình, Quảng Ninh.
(Một tiết mục biểu diễn chiêng tại sư kiện văn hóa lớn của tỉnh -Ảnh: báo Hòa Bình điện tử)
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn phường hiện có trên 100 chiếc chiêng, trong đó có nhiều chiêng là chiêng hơ (chiêng cổ), hàng chục làn điệu đang được lưu truyền như đi sắc bùa, đi đường đón khách, bến rậm sông Bờ, Chầm Khầm, bông trắng, bông vàng...
(Theo báo Hòa Bình điện tử)
Viết bình luận