Người Khơ Mú gọi hát là tơm. Bà con có thể tơm trong nhiều dịp: đi nương, xuống chợ. Khi ấy, điệu tơm cất lên xua tan đi nỗi mệt nhọc trong lao động, giúp con người bớt cô đơn nơi núi rừng âm u.
Hay trong ngày cưới, ngày lên nhà mới hoặc dịp gia đình, làng bản có hội, họ tơm để chúc mừng cho gia chủ, cho đôi trẻ trong ngày vui hạnh phúc, già trẻ, trai gái hòa cùng lời ca. Tơm gắn kết con người cũng vì lẽ đó.
Xưa, con trai con gái Khơ Mú nên duyên chồng vợ cũng nhờ tơm. Đó là tơm giao duyên. Họ mến nhau vì tài, yêu nhau, hiểu nhau qua câu hát.
Tơm của người Khơ Mú có nhiều hình thức. Tức cảnh sinh tình, một người có thể cất lên tiếng hát. Ví như: nhớ người yêu, nhớ rừng, nhớ làng bản. Hoặc có thể hát đối đáp giữa hai người, hay một nhóm hát với nhau.
Những câu hát tơm thường là những bài có sẵn. Nhưng có khi, cũng giai điệu ấy người hát có thể sáng tác, ứng khẩu mà thành lời tơm mới. Điều này phụ thuộc vào thiên phú mỗi người: trí nhớ tốt, có giọng hát tốt hoặc có khả năng ứng tác là có thể tơm.
Tơm sẽ trở nên vui tươi hơn khi có tiếng sáo đệm nhạc. Người thổi được sáo đệm cho điệu tơm cũng là người có tài.
Điệu tơm ra đời từ cuộc sống mộc mạc của người Khơ Mú. Đến các bản làng của đồng bào, họ sẵn lòng hát cho bạn nghe để tỏ bày sự mến khách phương xa. Những điệu tơm truyền miệng từ ông bà vẫn còn vang mãi.
Viết bình luận