Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ. Trong phong tục truyền thống, sau mỗi mùa rẫy là mùa con gái Ê Đê tìm chồng. Sau khi tìm được chàng trai ưng bụng, họ sẽ thưa với bố mẹ để được đi hỏi chồng.
Khi đôi bên chấp thuận, cô gái Ê Đê sẽ về nhà chồng để ở dâu từ 1 – 3 năm, tùy vào sự thỏa thuận của 2 bên gia đình. Khi ấy, nhà trai được thách cưới. Nhà gái sẽ lo mọi chi phí cưới, hỏi. Lo liệu xong xuôi, nhà gái mới được làm lễ rước rể về nhà.
Vừa qua, nghi thức rước rể của người Ê Đê xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk được tái hiện tại Làng Văn hóa mang đậm nét truyền thống.
Sau khi đã được ấn định ngày rước rể, nhà gái đến nhà trai để xin rước rể về nhà bố, mẹ vợ theo phong tục của người Ê Đê. Ảnh: Hải Yến
Trên đường đi, đoàn rước rể sẽ phải trải qua rất nhiều chướng ngại vật do bạn bè, anh chị em nhà gái thực hiện. Họ chặn lại, trêu chọc, đòi quà... Để vượt qua những cản trở đó chú rể phải trao cho họ một chiếc vòng đồng. Ảnh: Hải Yến
Đặc biệt, trước khi về đến nhà gái, đoàn rước rể sẽ gặp một tốp nam nữ gồm anh, chị, em họ cô dâu đứng trước nhà dài tiếp tục trêu chọc, đóng cửa không cho vào nhà và đòi quà của chú rể. Chú rể trao cho anh, chị, em của cô dâu 1 chiếc vòng đồng, một gói cơm nếp, 1 con gà họ mới mở cửa cho đoàn rước rể vào nhà dài. Người Ê Đê quan niệm: Trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở, cuộc hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn. Từ đó cuộc sống ngày càng bền vững, hạnh phúc hơn, làm ăn giàu sang hơn. Chiếc vòng đồng được coi như là lời cam kết thủy chung. Ảnh: Hải Yến
Tại nhà gái, ông cậu đại diện cho gia đình cô dâu nói chuyện với gia đình nhà trai, nhắc lại các khoản thách cưới, món nào đã đưa đủ, món nào còn thiếu, hôm nay nhà gái sẽ trả đầy đủ. Sau đó, ông cậu xin phép họ nhà trai để rước rể về nhà vợ theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Hải Yến
Cô dâu chú rể trong nghi lễ. Ảnh: Hải Yến
Sau khi kiểm kê đầy đủ lễ vật, nhà gái sẽ trao lại cho nhà trai. Ảnh: Hải Yến
Sau khi trịnh trọng hỏi quan khách, họ hàng hai bên chứng kiến, không có ai phản đối cuộc hôn nhân này, già làng lấy bông gòn nhúng vào tô đồng đã hòa máu của con vật hiến sinh, quét lên chân của đôi vợ chồng ba lần. Như vậy, cuộc hôn nhân xem như đã có sự chứng giám và chúc phúc của thần linh. Đôi trẻ chính thức là vợ chồng, phải thương yêu nhau không được đổi thay, cùng nhau siêng năng làm rẫy, nuôi dưỡng con cái, sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái trong cuộc hôn nhân này sẽ phải bồi thường lại đầy đủ sính lễ của lễ cưới này, già làng tiếp tục kéo cần cho đôi trai gái uống và đổi cần cho nhau với ý nghĩa cuộc đời của hai vợ chồng kéo dài mãi. Ảnh: Hải Yến
Họ cùng nhau ăn chung một miếng cơm, một miếng gan heo để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nguyện từ nay về sau dù no hay đói đều luôn có nhau. Ảnh: Hải Yến
Già làng thay mặt cho hai họ và đôi vợ chồng trẻ bày tỏ lòng cảm ơn và báo cho mọi người biết việc cưới xin đã xong xuôi tốt đẹp. Mọi người cùng ăn cơm và uống rượu chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Buôn làng hân hoan trong men say, trong tiếng cồng, tiếng chiêng. Ảnh: Hải Yến
Viết bình luận