Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định bảo tồn văn hóa cồng chiêng
Thứ tư, 15:37, 27/12/2023 Thanh Thắng/VOV miền Trung Thanh Thắng/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định. Các thế hệ người dân nơi đây đã cố gắng lưu truyền tiếng cồng, tiếng chiêng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Chính quyền địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình giúp đồng bào các dân tộc thiểu số lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào mình, trong đó có cồng chiêng.

 

Đồng bào Bana ở huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định luôn xem cồng chiêng như một loại tài sản đặc biệt quý của gia đình và cộng đồng. Những bộ cồng chiêng có âm thanh chuẩn, được gìn giữ cẩn thận và truyền lại từ lâu đời thì càng có giá trị cao, thậm chí là vô giá. Cồng chiêng được các thế hệ người Bana ở huyện miền núi An Lão quý như thành viên trong gia đình. Trong các dịp cúng tế, lễ hội, đám cưới… khi tiếng cồng chiêng vang lên họ không quên những lời cầu mong thần linh phù hộ, che chở cho cồng chiêng trong gia đình. Anh Đinh Văn Lư, dân tộc Bana ở thôn 1, xã An Nghĩa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định được gia đình dạy đánh cồng chiêng từ nhỏ. Tiếng cồng chiêng vang lên cũng là lúc đồng bào Bana ở trong làng tụ hội.

“Việc học đánh cồng chiêng không lâu, khoảng từ 1 tháng đến 2 tháng thì biết đánh. Đồng bào Bana múa cồng chiêng chủ yếu vào ngày hội ăn lúa mới, ăn tết, đám cưới. Tôi rất là tự hào khi khôi phục lại truyền thống của đồng bào mình. Bây giờ mình phải tiếp tục giữ gìn, nếu không lưu truyền thì làm sao con cháu mình biết được. Chúng tôi đang truyền lại cho thế hệ sau này, giữ được bản sắc văn hóa”. - Anh Đinh Văn Lư chia sẻ.

Cũng như đồng bào Bana ở huyện miền núi An Lão, hiện nay, đồng bào H'rê vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống. Trong đó có nghệ thuật Tốc Chinh. Nghệ thuật Tốc Chinh của người H'rê chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn và bài bản của bộ chiêng, gồm 3 chiếc: Chiêng Toa, chiêng Tum và chiêng Vông. Nhạc cụ chiêng người H’rê vừa mang tính chất hướng dẫn động tác, vừa tạo cho người tham gia múa hưng phấn, hòa mình vào khung cảnh lễ hội, vào không gian hùng vỹ, linh thiêng của núi rừng. Vào những dịp tết cổ truyền, đón mùa xuân mới, sau mùa rẫy, trên những làng H'rê rộn rã thanh âm của tiếng chiêng 3, chiêng 5, cùng với những làn điệu Ta lêu, Ka choi và những điệu múa xoang nhịp nhàng của những chàng trai, cô gái H'rê đã làm mọi người vui vẻ, xích lại gần nhau hơn. Bức tranh phong cảnh vùng cao thêm sinh động và tràn ngập màu sắc.

Huyện miền núi An Lão đang tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trước mắt, huyện này sẽ thành lập câu lạc bộ văn hóa ở các thôn, bản, làng để lưu truyền việc đánh cồng chiêng. Mỗi năm, huyện hỗ trợ 2 xã tổ chức lễ hội văn hóa cấp xã, 5 năm tổ chức lễ hội văn hóa cấp huyện một lần.

“Hiện nay, huyện An Lão đang triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia trên cơ sở cho thành lập các câu lạc bộ văn hóa ở các thôn, bản, làng, hỗ trợ bà con luyện tập đánh cồng chiêng và dần dần phục hồi lại những di sản. Từ nguồn kinh phí này, chúng tôi đang hỗ trợ thêm cho các nhà văn hóa giúp nâng cao cơ sở vật chất và lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào. Mục tiêu của kế hoạch này là vừa bảo tồn, vừa lấy giá trị văn hóa để tạo ra đời sống tinh thần cho bà con tốt hơn, đặc biệt là phục vụ cho định hướng phát triển du lịch". - Ông Đỗ Tùng Lâm, Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết.

Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ hiện có 39 dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Bana K'riêm, Chăm H'roi và H'rê sinh sống ở 119 thôn, làng, 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi tỉnh Bình Định đã có những cách làm của riêng để giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa cồng chiêng.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân chú trọng. Đặc biệt, năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định triển khai chương trình hỗ trợ mỗi làng đồng bào dân tộc thiểu số 1 bộ cồng chiêng. Đây là một chương trình mang nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với cồng chiêng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có dự án thành phần phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch. Một trong những giải pháp bước đầu tạo được hiệu quả là thực hiện một cơ chế mở, giữ gìn bảo lưu không gian văn hóa làng, bằng sự đầu tư đúng hướng thông qua việc tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, ngày hội cồng chiêng, lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền núi từ cấp xã đến cấp tỉnh. 

“Ưu tiên cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngành Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định cũng đã triển khai một số hoạt động để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Các địa phương đã tập trung mua sắm dụng cụ, nhạc cụ cấp cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số”. - Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định cho biết./.

Thanh Thắng/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC