Kỳ Thượng là xã vùng cao của thành phố Hạ Long, Quảng Ninh có gần 900 nhân khẩu, trong đó có gần 100% người Dao Thanh Phán sinh sống. Thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh", từ ngày 01/3/2024, công chức xã vùng cao Kỳ Thượng bắt đầu thực hiện mặc trang phục dân tộc của người Dao Thanh Phán đi làm.
Ngay từ ngày đầu phát động, phong trào đã nhận được sự hưởng tích cực của đông đảo cán bộ, công chức, người dân trong xã.
Những nữ cán bộ người Dao tới nơi làm việc trong bộ trang phục truyền thống gồm áo, quần và khăn đội đầu, còn nam giới có thể mặc áo sơ mi, quần âu kết hợp với áo gile màu chàm được thêu các họa tiết, hoa văn nổi bật.
Việc mặc trang phục truyền thống của người Dao khi đi làm giúp công tác tiếp dân, tìm hiểu sâu tâm tư, nguyện vọng của bà con dễ dàng hơn. Ngược lại, người dân cũng cảm thấy được sự gần gũi, thân thiện của đội ngũ cán bộ, viên chức, từ đó mạnh dạn trao đổi những thắc mắc, khó khăn trong cuộc sống, lao động, sản xuất...
"Chúng tôi muốn lưu giữ các sản phẩm của dân tộc, tuyên truyền cho con cháu không để mai một phong tục, tập quán của người Dao mình. Chúng tôi bắt đầu thực hiện từ cách ăn mặc, thống nhất là bước đầu mặc trang phục dân tộc vào thứ 2, 4, 6. Nếu cảm thấy thực hiện tốt sẽ duy trì vào các ngày đi làm. Quảng bá hình ảnh để bạn bè trong và ngoài nước biết được bộ trang phục của chúng tôi mang nét riêng của người Dao ở xã Kỳ Thượng. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào với bộ trang phục của mình". - Bà Bàn Thị Phương, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh cho biết.
Chủ trương mặc trang phục dân tộc cũng được triển khai rộng rãi trong các trường học trên địa bàn xã. Bà Đỗ Kim Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Kỳ Thượng, xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh cho hay, trường hiện có gần 150 học sinh và 100% là người Dao Thanh Phán.
"Các em học sinh rất hào hứng khi nhà trường đưa ra quy định, kêu gọi học sinh cùng tham gia mặc trang phục dân tộc Dao vào các ngày thứ 2 và thứ 6. Ngoài ra, nhà trường còn có nhiều hoạt động trải nghiệm stem ở trường, giới thiệu về trang phục truyền thống của mình, kết hợp cùng phụ huynh thể hiện sản phẩm may, thêu áo, trình bày sản phẩm của dân tộc Dao trước toàn trường. Qua đó, giữ gìn văn hóa, bản sắc của dân tộc mình". - Bà Đỗ Kim Dung nói.
Những ngày đầu thực hiện, cũng có một số bạn trẻ có tâm lý e ngại nhưng nay, việc mặc trang phục truyền thống đến trường đã trở thành niềm yêu thích. Em Bàn Khánh Duy, trường Tiểu học & THCS Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long kể: "Đây là lần đầu tiên con được mặc trang phục của mình khi đi học, con cảm thấy rất hào hứng. Bộ trang phục của con được thêu rất đẹp".
Trang phục của người Dao Thanh Phán thể hiện sự sắc sảo và khéo léo của những người phụ nữ từ công đoạn nhuộm chàm, chọn chỉ thêu... Tùy theo kiểu dáng, kích cỡ, thời gian để hoàn thiện một bộ quần áo có thể kéo dài từ 1-3 năm.
Được biết, xã Kỳ Thượng cũng tổ chức nhiều hoạt động như: cuộc thi thêu trang phục dân tộc, khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc trong những ngày lễ, Tết; đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn quảng bá hình ảnh, nét đẹp trang phục tuyền thống của người Dao... nhằm tạo môi trường văn hóa góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào.
Viết bình luận