Đồng bào Thái ở Điện Biên giữ gìn văn hóa dân tộc
Thứ năm, 15:33, 14/12/2023 Vũ Lợi/VOV Tây Bắc Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Bằng nhiều hình thức khác nhau, đồng bào Thái ở Điện Biên đang nỗ lực gìn giữ văn hóa cha ông với một niềm niềm đam mê, tâm huyết đáng trân trọng.

 

Từ thành lập câu lạc bộ văn nghệ

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Thái là một trong ba dân tộc có dân số đông nhất trên địa bàn. Trải qua quá trình định cư lâu dài trên mảnh đất Tây Bắc, đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt.

Nhiều năm qua, bằng niềm đam mê, trách nhiệm, những người con dân tộc Thái luôn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn các làn ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Từ đó, không chỉ giúp cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngày một phong phú, đa dạng, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc. 

Bà Bạc Thị Luyện ở bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là một trong số ít người còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình qua những điệu múa, những lời ca tiếng hát và một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái. 

Dù tuổi đã khá cao, song bằng niềm đam mê tâm huyết của mình, bà Luyện đã thành lập Câu Lạc bộ Hoa Ban Khuống Bản Em Mường Thanh Điện Biên với 12 đội văn nghệ, sinh hoạt chủ yếu tại 2 huyện Tuần Giáo và Điện Biên. Câu lạc bộ này đã góp phần gìn giữ, truyền dạy những điệu múa, lời ca tiếng hát của dân tộc Thái không bị mai một.

Bà Bạc Thị Luyện chia sẻ, bản thân rất buồn khi thấy các giá trị văn hóa riêng có của dân tộc Thái dần không còn được lớp trẻ dân tộc mình để ý đến. Do đó, việc thành lập câu lạc bộ Hoa Ban Khuống Bản Em Mường Thanh Điện Biên cũng chính là cách để bà phải làm một điều gì đó níu giữ lại các nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Thị xã Mường Lay được coi là thủ phủ của đồng bào dân tộc Thái trắng với những nét văn hóa đặc sắc như điệu xòe cổ, tiếng đàn tính, hát then, các lễ hội truyền thống. Đến nay, những nghệ nhân của các loại hình nghệ thuật đặc sắc này vẫn còn lưu giữ và truyền dạy để các thế hệ con cháu bảo tồn và phát huy.

Nghệ nhân Vàng Văn Thức, một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa kết tinh trong những điệu Then cổ ở Mường Lay cho biết, từ lúc còn nhỏ, ông đã được nghe ông nội và cha (cũng là thầy Mo) ca những điệu Then của dân tộc Thái trắng. Lớn lên, được theo cha đi làm lễ cho cộng đồng người Thái trắng ở khắp các bản, làng trong vùng, ông càng thêm hiểu và yêu hơn với những câu hát Then.

Giờ đây, dù tuổi cao nhưng trong những lễ hội quan trọng của dân tộc như: Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội đua thuyền đuôi Én, bản thân ông Thức vẫn cất cao tiếng hát Then của mình để truyền tải tới mọi người được nét văn hóa độc đáo, riêng có của người Thái trắng Mường Lay.

"Phong tục tập quán của người dân Thái trắng tôi phải cố gắng phát huy và truyền dạy cho lớp trẻ, con cháu. Bây giờ, tôi đang cố gắng tiếp tục. Sau này, khi mình già đi các cháu sẽ tiếp thu và phát triển, các cháu sẽ giữ tiếng Then như tôi". - Nghệ nhân Vàng Văn Thức chia sẻ.

Đến nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng

Từ sự giao thoa văn hóa của cuộc sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đang dần bị mai một, trong đó có chữ viết và một số phong tục tập quán.

Trước thực tế đó, anh Tòng Văn Hân, ở bản Liếng, xã Noong Luống đã phục dựng lại một số văn hóa của dân tộc mình bằng việc nghiên cứu, sưu tầm chuyển thể xuất bản qua 15 đầu sách.

Nguồn sách này đã làm sống dậy phần nào kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái đen ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.

"Khi tôi đã viết và biên dịch được và hiểu được, bình giảng được câu tục ngữ ca dao của người Thái thì tôi đã mở một lớp dạy chữ Thái cho cộng đồng của mình, khuyến khích người dân tự nguyện đến học. Từ đó về sau, nhờ có những nền tảng như thế, chúng tôi tập luyện với nhau những bài hát truyền thống của người Thái, mở rộng thêm để con cháu có thể học và đọc được chữ Thái cổ của mình" - Anh Tòng Văn Hân nói.

Noi gương Bác Hồ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, những việc làm cụ thể ở các lĩnh vực văn hoá truyền thống đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Thái.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên mà còn là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vũ Lợi/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC