Huyện Lạc Sơn giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Thứ tư, 00:00, 16/10/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
Huyện Lạc Sơn - Mường Vang là 1 trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh. Văn hóa Mường có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống địa phương. Đến nay, một số phong tục, tập quán mang đậm bản sắc còn được lưu giữ trong đời sống nhân dân.

 

Thời gian qua, Lạc Sơn tập trung bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc như giữ gìn phong tục, tập quán, tín ngưỡng; tổ chức rà soát, quản lý chiêng Mường tại các gia đình; lưu giữ tiếng nói, trang phục, ẩm thực của người Mường.

Năm 2018, huyện đã tổ chức thành công lễ đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Cây Si và lễ hội Đu Vôi, xã Liên Vũ; đền Thượng, thị trấn Vụ Bản; lễ công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Trường Khạ, xã Liên Vũ và đền Mẫu, xã Vũ Lâm; Phục dựng và tổ chức lễ hội đình Khênh, xã Văn Sơn; sưu tầm tư liệu, hiện vật, xây dựng kịch bản phục dựng lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa.

Điểm nhấn trong việc giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là không gian thiêng nhà sàn Mường. Đây là nơi duy trì các phong tục tập quán, nếp ăn, nếp ở của người Mường. Lạc Sơn là địa phương lưu giữ được nhiều nhà sàn nhất của tỉnh. 

Từ bao đời nay, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững giá trị của mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản phi vật thể vô cùng quý giá này.

Để cụ thể hóa việc bảo tồn giá trị đặc sắc của những áng mo Mường, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình nghiên cứu, đề xuất lập hồ sơ khoa học các bộ khót của các nghệ nhân mo Mường. Thành lập câu lạc bộ mo Mường, sưu tầm và phát huy giá trị mo Mường. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn những giá trị của di sản mo Mường; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa  mo Mường. 

Cùng với đó, huyện nỗ lực đưa việc truyền dạy chiêng Mường, hát dân ca và mặc trang phục truyền thống vào các chương trình giáo dục của các trường học trên địa bàn; tổ chức nhiều hội thi trình tấu chiêng Mường, hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc Mường thu hút đông đảo thí sinh tham dự.

Nhờ đó, đến nay, Lạc sơn đã lưu giữ được hơn 3.000 chiêng. Nhiều xã như: Nhân Nghĩa, Ân Nghĩa, Tân Lập, 100% xóm có đội cồng chiêng, đội văn nghệ. Các nghệ nhân chuyên và không chuyên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa truyền thống trong cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng đối với mảnh đất, con người Lạc Sơn. Từ đó, lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của dân tộc trong  âm nhạc qua câu hát ví,  hát thường…

(Ảnh minh họa- Nguồn: Internet)

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 làng nghề truyền thống là làng nghề dệt thổ cẩm tại xóm Lục, xã Yên Nghiệp và làng nghề mây, tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa đang được các nghệ nhân khôi phục và phát triển. Các làng nghề tổ chức dạy nghề cho lao động nông nhàn, tạo việc làm cho nhiều gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

 

(Theo báo Hòa bình điện tử)





Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC