Ka-tê về trong căn nhà người con Chăm xa xứ
Thứ tư, 00:00, 18/10/2017
VOV4.VN - Khi hoa Ta-gi-lau nở trên các ngọn đồi, là lúc các làng Chăm rộn ràng chuẩn bị đón ngày hội Ka-tê – Lễ hội truyền thống của người Chăm. Không chỉ rộn ràng ở các làng Chăm, mà cả ở những gia đình người Chăm xa quê cũng vậy.

 

Trong những ngày này, căn nhà tọa lạc tại địa chỉ 6A-7A, Nguyễn Thị Định, phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình thuận, tiếng kèn Saranai réo rắt và tiếng vỗ lúc trầm lúc bổng của nhịp trống Pa-ra-nưng hòa cùng với những hát dân ca Chăm.

Chủ nhà Nguyễn Văn Luận chia sẻ, năm nào cũng vậy, đến ngày hội Ka-tê, anh và người thân trong gia đình cùng bạn bè thường lên tháp Po Sah inư tại phường Phú Hài, thành Phố Phan Thiết. Không chỉ lên tháp để vọng bái thần linh, cầu phúc an cho gia đình mà đây còn là dịp để các bạn bè tề tựu.

Hôm nay, gia đình anh cùng với thân hữu người Chăm ở phường Phú Tài tụ hội để tập đánh lại trống và thổi kèn Saranai

Anh Luận cho biết: "Ông ngoại có để lại một bộ nhạc cụ Chăm có đầy đủ hết, nhưng các con của ông không ai biết sử dụng. Khi lớn lên, tôi thấy tiếc nên xin và tự đi tìm học các đánh trống Ghi-năng, trống Paranưng, cách thổi kèn Saranai. Đến bây giờ tôi đã biết cách chơi hết các nhạc cụ này , tuy không thành thạo cho lắm nhưng cũng chơi được. Ka-tê năm nào tôi cũng tham gia".

Sống giữa lòng thành phố náo nhiệt, đôi vợ chồng trẻ người Chăm xa quê này vẫn dành thời gian để giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc mình. Anh Luận nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc của người Chăm áp dụng vào trong việc làm cụ thể của mình. Trong không gian hẹp của phòng khách, anh trưng bày khá bắt mắt và hài hòa các loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm.

Anh Trần Đình Phú, ở gần nhà anh Luận, cho biết: "Bởi vì chủ nhà là một kiến trúc sư nên chuyện nhà đẹp là chuyện bình thường rồi. Vào nhà mới thấy được phong cách của chủ nhà. Những thứ liên quan đến văn hóa người Chăm thì anh ấy vẫn giữ được, chơi những nhạc cụ cũng rất tốt, tôi thấy điều đó rất là tuyệt vời".

Cũng từ niềm đam mê này mà anh đặt tên con trai là Nguyễn Chế Sa Pa. Anh Nguyễn Văn Luận lý giải, Sa là từ viết tắt của Sa-ra-nai, còn Pa là từ viết tắt của Pa-ra-nưng – hai loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm. Cậu học sinh lớp 7 này đã thành thạo cách chơi trống Pa-ra-nưng và kèn Sa-ra-nai.

Và mùa Ka-tê này, cha con anh Nguyễn Văn Luận lại có dịp gặp lại những thân hữu xa gần, lại cùng nhau thổi kèn Sa-ra-nai, đánh trống Pa-ra-nưng, cùng nhau tay bắt mặt mừng trền đền tháp Pô Sah Ine.

 

 

 

Ja Si/VOV-TP.HCM

 

 

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC