Hội thi diễn ra từ ngày 1 đến 4/8 với sự tham gia của nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đến từ 24 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lễ khai mạc hội thi và hội diễn gồm các hoạt động rước biểu tượng vật thiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc đặc trưng hoặc hòa tấu cồng chiêng, trình diễn trích đoạn nghi lễ, nghi thức, tích trò đại diện của địa phương để diễu hành nghệ thuật… Các đơn vị sẽ thi các nội dung như: ẩm thực và trình diễn nghi lễ truyền thống; thi diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống và trình diễn trang phục truyền thống tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Quảng Ngãi...
Về với Hội thi, ông Dagout Brice Liêm, đến từ tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Mặc dù cũng được tham gia vài lần các chương trình về diễn xướng dân gian nhưng mỗi chương trình mang một cảm xúc tuyệt vời. Nơi đó chúng tôi được gặp gỡ những người bạn, có người bạn quen, có người bạn mới. Và đặc biệt hơn tôi được học hỏi những tiết mục của các đoàn mang đến cho hội thi diễn xướng dân gian. Lần này đoàn Lâm Đồng tham dự với giai điệu chính về cồng chiêng được diễn tấu rất đặc biệt với 6 nghệ nhân để nói lên niềm vui mừng, hân hoan khi đến với lễ hội”.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, với bề dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam chúng ta có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, được nhiều thế hệ sáng tạo và lưu truyền cho đến ngày nay. Kho tàng di sản văn hóa ấy là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, là nguồn lực nội sinh để các thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, vun đắp, bảo tồn và phát huy, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Ông Nguyễn Quốc Huy cho biết: “Cả nước hiện có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể đang được gìn giữ, trong đó nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh hoặc được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, ngày càng nhiều lễ hội truyền thống được duy trì, gắn với phong tục, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống. Nhiều tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu và phục dựng nhằm bảo đảm sự đa dạng và phong phú của sắc thái văn hóa các vùng miền. Nhiều tấm gương sáng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được biểu dương, lan tỏa trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.”
Hội thi nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc; Khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm, phát hiện, tìm tòi, sáng tạo trong lao động nghệ thuật, góp phần giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Viết bình luận