Lễ hội Thanh Minh – Gìn giữ văn hóa người Nùng An trên cao nguyên Đắk Lắk
Thứ hai, 13:22, 08/04/2024 H Xíu/VOV Tây Nguyên H Xíu/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Trong 3 ngày (từ 3-5/4), Lễ hội Thanh Minh với chủ đề “Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa người Nùng An” diễn ra sôi nổi tại xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.

 

Lễ hội diễn ra tại khu vực chợ trung tâm xã Cư A Mung, với rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: thi bóng bàn, kéo co, cờ tướng, lày cọ, giã bánh giày, thiến gà, quay heo, trang phục dân tộc, hội trại và giao lưu văn nghệ…

Anh Phùng Đại Nghĩa, ở thôn 10B, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo cho biết: “Ngày hội Thanh Minh này gốc tích cũng từ quê hương nên người Nùng An mong đến hội để cùng nhau vui. Tôi đại diện cho thôn đi thi thiến gà ở hội Thanh Minh. Thi lần đầu tiên nên rất hồi hộp. Thiến gà này là từ ông bà xa xưa truyền lại cho đời con cháu sau này, vì ngày xưa nuôi gà khó, phải hơn 1 năm mới thịt được con gà, đến ngày lễ ngày hội mới được thịt nên thành ra thiến để cho gà to lên”.

Lễ hội Thanh Minh ở xã Cư A Mung không chỉ có người dân địa phương mà rất đông bà con người Tày, Nùng ở trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk cùng nô nức tham gia. Bà Đàm Thị Liên, ở thôn Lập Thành, xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: năm nào bà và các chị em trong thôn cũng đến Cư A Mung, chẳng ngại đường xá xa xôi.

Suốt những ngày qua, cùng với tiếng đàn, lời ca, ẩm thực và những trò chơi dân gian của các dân tộc phía Bắc là sự hòa quyện của không gian văn hóa cồng chiêng của người Êđê và Jrai tại Cư A Mung. Qua đó, tạo nên sự gắn kết giữa các dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con.

Theo ông Hoàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cư A Mung, lễ hội Thanh Minh là hoạt động văn hóa mang tính tâm linh, hình thức sinh hoạt cộng đồng của người dân sau những ngày lao đông vất vả, được bà con người Nùng An lưu giữ và phát huy khi vào định cư tại Đắk Lắk.

Đây là năm thứ 8 lễ hội được tổ chức, với hàng chục nghìn người dân đến tham dự. Cùng với sinh hoạt văn hóa, bà con còn trao đổi, mua bán trang phục truyền thống, nông cụ sản xuất và các loại thực phẩm truyền thống như thịt trâu, thịt ngựa, tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng và đậm chất truyền thống như ở quê gốc Cao Bằng.

 

H Xíu/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC