Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Đắc Lắc
Thứ năm, 00:00, 13/09/2018 THU HA bt THU HA bt
VOV4.VN - Những năm gần đây, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar,tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Ê Đê, góp phần khôi phục nghề truyền thống này.

 

Sinh ra ở buôn làng, nên ngay từ ngày bé chị H’Hương Niê, ở Buôn H dinh, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar đã yêu thích hình ảnh các bà, các mẹ trong buôn ngày ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ khố áo, tấm đắp nhiều màu.

Được bà, được mẹ truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, cộng với những kiến thức mới do Trường cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên đào tạo, đến nay, chị H’Hương đã trở thành một nghệ nhân dệt thổ cẩm Ê Đê.

Bằng niềm đam mê và mong muốn lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị H’Hương đã đầu tư công sức và thời gian cho nghề và dần trở thành người truyền dạy nghề dệt cho những lớp trẻ. Đặc biệt, chị đã thành lập Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm  Ea Tul tại xã Ea Tul, huyện Cư Mgar.

Cũng như chị H’ Hương, những tấm chăn, chiếc váy, tấm địu trẻ em từ thổ cẩm là những vật dụng quen thuộc hàng ngày của chị H’Nuôl Niê ở buôn Brăh, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, nhưng mãi đến năm 30 tuổi, chị H’Nuôl  mới bén duyên với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Năm 2015, sau khi tham gia lớp dệt thổ cẩm do xã Ea Tul tổ chức, chị đã tự tay tạo ra những sản phẩm thổ cẩm của riêng mình.

Ban đầu, chị làm ra những sản phẩm thổ cẩm đơn giản khăn, túi, dần dần thành thạo từng đường nét hoa văn để tạo ra những sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế như váy, áo, chăn….Không chỉ thỏa được đam mê, nghề dệt thổ cẩm còn giúp chị đến với tổ hợp tác từ đó có thêm thu nhập cho gia đình.

(Chị H’Nuôl Niê đang tạo nên sản phẩm của mình)

Từ niềm yêu thích, mong muốn gìn giữ giá trị truyền thống, các chị, các em trong tổ hợp tác dệt thổ cẩm Ea Tul đã làm ra những chiếc chăn, trang phục, giỏ xách, dây địu...

Những sản phẩm này không chỉ chất lượng mà còn đa dạng về mẫu mã, giá cả cũng phải chăng, độ bền cao, màu sắc đẹp mắt, cải tiến để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên nhanh chóng được thị trường đón nhận.

Thông qua hoạt động của Tổ hợp tác, các chị em trong tổ hiểu được, việc gắn bó nghề dệt thổ cẩm không chỉ vì mục đích làm kinh tế mà còn là sự chung tay, nỗ lực duy trì, nối tiếp dòng chảy văn hóa của dân tộc từ bao đời nay./.

 

Hương Lý/VOV Tây Nguyên

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC