VOV4.VOV.VN - Nhà dài, nhà rông, nhà mồ… những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên được phục dựng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách thủ đô.
Trong xã hội truyền thống Ê Đê, ngôi nhà dài là nơi cư trú của một đại gia đình mẫu hệ. Nhà càng đông người, càng dài. Xưa kia cũng đã từng có một số nhà dài tới khoảng 200m.
Đến những năm 70 của thế kỷ XX, vẫn thấy nhiều ngôi nhà dài 50 – 60m. Từ những năm 1980, quá trình giải thể nhà dài và lối sống đại gia đình, đã diễn ra mạnh mẽ hơn trước.
Tại bảo tàng, ngôi nhà vẫn được dựng theo hướng Bắc – Nam theo tập quán cổ truyền Ê Đê. Đầu nhà quay về phía bắc, có cửa chính thông ra sân sàn rộng, còn đầu hồi phía nam là cuối nhà.
Nhà dài - không gian cư trú của đồng bào Ê Đê. Theo thông tin, ngôi nhà được dựng lại trên cơ sở nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Ê Đê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Nhà dài 42,50m, sàn cao 1,10m và rộng 6m.
Cầu thang có điêu khắc bầu ngực và hình trăng khuyết. Trước kia, cầu thang ở đầu nhà cũng to và đẹp, theo người nhà mô tả lại nó rộng tới hơn 1m.
Sàn trước nơi đàn ông Ê Đê thường ngồi đan lát. Tại đây có trưng bày cối giã gạo và đồ sàng gạo
Không gian bên trong ngôi nhà dài. Đây cũng là chỗ ngủ của các chàng trai cho đến khi lấy vợ, có bếp khách, đun nước uống, sưởi ấm. Nơi đây trưng bày gần 300 hiện vật. Không gian này được người Ê Đê gọi là gah, không chỉ rộng rãi và tập trung nhiều trang trí đẹp mà còn là nơi bày biện những của cải quý giá nhất của gia đình: ghế, trống, các bộ chiêng, cồng, nồi đồng, ché lớn. Tất cả đều thể hiện vị thế cao về kinh tế - xã hội của gia chủ trong cộng đồng. Tại đây diễn ra nhiều cuộc đón tiếp khách, những buổi họp bàn công việc chung của gia đình.
Những chiếc ché đựng rượu được cột sẵn nơi không gian thiêng dành cho các nghi thức cúng.
Ché - tài sản lớn của mỗi gia đình giàu có
Trống H'gơr trên chiếc ghế kpan quyền lực
Chiêng, trống, ghế kpan... đều là những vật dụng quý giá trong ngôi nhà dài Ê Đê. Đây là nhà của gia đình giàu sang và thế lực, nên có các cột và xà cỡ lớn, với nhiều mô típ điêu khắc trang trí cầu kỳ.
Toàn bộ khuc vực này có tên gọi là ôk, dành cho sinh hoạt nội bộ của đại gia đình. Trước kia, mỗi đại gia đình Ê Đê bao gồm nhiều gia đình nhỏ của những phụ nữ thuộc vài ba thế hệ được sinh thành từ một cặp ông bà tổ. Từng gia đình nhỏ có buồng riêng để ngủ và cất giữ tư trang, chủ yếu là đồ họ mặc.
Theo nếp cổ truyền, đại gia đình làm ăn chung và có tài sản chung do mẹ hay chị cả quản lý. Đến bữa, từng gia đình nhỏ được phân chia cơm và thức ăn.
Với ngôi nhà này của gia đình bà H'Đách Ê Ban, khi đông nhất chỉ có 16 người. Trong đó đã hình thành đơn vị kinh tế riêng biệt và có 2 bếp được được ở bên ngoài buồng ngủ. Cạnh bếp là những vỏ bầu khô để đựng nước sạch, cả những chiếc gùi, dụng cụ đi rừng, đi nương treo trên vách: rìu, xà gạc, liềm...
Từ phía cuối nhà trở lại, chỗ ở đầu tiên là của vợ chồng gia chủ, tiếp đến lần lượt các buồng của những cặp vợ chồng khác. Trong buồng có bếp lửa để sưởi ấm khi trời lạnh và tiện lấy lửa hút thuốc tại chỗ.
Viết bình luận