Nét vẽ diệu kỳ trên vải từ hai ngón tay giả
Thứ tư, 15:24, 08/03/2023 Nguyễn Đắc Hồng Phương/VOV ĐB Sông Cửu Long   Nguyễn Đắc Hồng Phương/VOV ĐB Sông Cửu Long  
VOV4.VOV.VN - Người đàn ông chỉ còn một chân để đi, một bàn tay giả chỉ 2 ngón nhưng đã vẽ hàng ngàn mẫu hoa văn cho áo dài, áo đầm, áo bà ba, phù hiệu học sinh. Nét vẽ điêu luyện cùng nghị lực phi thường của ông đã tạo nên một bức tranh tươi đẹp ngay giữa lòng Tây Đô.

Hồi còn nhỏ mình khoảng 12 tuổi, do một tai nạn điện, điện cao thế giăng ngang nhà, mình sơ ý mình đứng gần, thấy cọng chỉ, mình nắm kéo vì không biết. Do cái điện cao thế hút tôi, toàn thân bị cháy. Sau đó người nhà đưa vô bệnh viện, phần nào hoại tử thì người ta cắt bỏ- Đó là lời tâm sự về giây phút ông Trần Hùng Bảo vĩnh viễn mất đi đôi tay và một chân của mình

Ông Bảo sinh ra ở huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu) vào năm 1960. Thời đó, mùa màng thất bát, không đủ ăn, cha mẹ ông dắt đàn con chín đứa lên Cần Thơ mưu sinh khi ông tròn 5 tuổi.

Như bao bạn cùng lứa, ở Cần Thơ, chiều nào cũng vậy, ông cùng đám bạn trong xóm, tốp chơi đá cầu, đá banh, đá dế... Và một chiều định mệnh năm 12 tuổi, thấy tốp đá cầu đang loay hoay lấy quả cầu mắc trên đường dây điện giăng ngang nhà, ông Bảo xung phong lấy giùm và trở thành người tật nguyền do chạm vào đường dây điện. Tỉnh dậy, ông bàng hoàng khi thấy mình mất đi đôi bàn tay, hơn hai tháng sau chân phải cũng không giữ lại được do bị hoại tử. Từ đó, ông phải đeo một cánh tay giả với hai ngón bằng kim loại.

Trở thành người tật nguyền, ông gần như tuyệt vọng hoàn toàn. Nhưng không để nỗi buồn xâm chiếm quá lâu, ông bắt đầu tập luyện cho hai ngón tay giả gắp những vật dễ như cây bút, quyển sách... rồi tập cầm muỗng để ăn cơm, uống nước. Vượt qua bao khó khăn, mặc cảm, ông Bảo đã tự làm mọi việc sau hơn 4 năm tập luyện, tiếp tục con đường học vấn, ông đã hòa thành chương trình học lớp 12.

Ông nộp hồ sơ thi Đại học nhưng không được nhận. Cánh cửa Đại học khép lại nhưng lại mở ra cho cuộc đời ông một cánh cửa mới, một hành trình mới. Đó là theo đuổi niềm đam mê hội họa. Ông theo học vẽ truyền thần tại nhà thầy Phận ở đường Tự Đức (nay là đường Lý Tự Trọng). Giống như ngày đầu mày mò học viết, bàn tay hai ngón lại run run pha màu, phác họa đường nét chân dung. Dần dần, ông vẽ nhanh hơn, đường nét gãy gọn, chính xác hơn.

Ông Trần Hùng Bảo tâm sự: Khoảng thập niên năm 1990, tôi thấy cái phong trào vẽ áo phát triển. Lúc đó, tôi cũng có vẽ truyền thần, người ta cũng ít đem lại cho tôi vẽ, nên tôi suy nghĩ để chuyển qua vẽ áo thử. Một thời gian thấy vẽ áo được, rồi về nhà từ từ làm. Nhờ bà con, mấy thợ may ủng hộ đưa đồ cho vẽ. Cứ từ từ, nghề truyền nghề, lúc đầu tôi vẽ xấu chứ không đẹp, rồi nghiên cứu, sáng tạo thêm và mỗi ngày vẽ đẹp lên.

Suốt mấy chục năm, người dân qua lại nơi đây luôn nhìn thấy hình ảnh một họa sĩ khuyết tật cần mẫn ngồi vẽ từng nét cọ trên vải áo dài, áo đầm, áo bà ba. Cách để ông vẽ là gắn thanh sắt thay thế 2 ngón tay như gọng kìm điều khiển cây cọ trên cánh tay giả, dùng chân còn lại giữ chặt tấm vải.

Khi mới vẽ, ông chỉ chọn những kiểu đơn giản như lá hoa, sau này, nghề dạy nghề, kiểu mẫu trang trí ngày càng phong phú hơn, màu sắc lạ và đẹp hơn. Để tạo hình nổi, màu sắc áo có nét độc đáo riêng, ông tự mày mò sáng tạo, lấy ngẫu hứng từ sự biến đổi không ngừng của thiên nhiên hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Khách xem báo, tranh ảnh... thấy kiểu đẹp là đem đến nhờ ông vẽ. Nhiều kiểu chỉ thấy bên trái nên phải suy nghĩ để vẽ bên phải. Những hình nào quá nhỏ thì lấy kính lúp để xem và vẽ theo từng chi tiết một. Giờ công nghệ phát triển hơn, trên bàn làm việc của ông Bảo đã đặt một chiếc máy tính xử lý mẫu vẽ thay cho cái kính lúp và tìm kiếm, khám phá thêm kỹ thuật vẽ trên nhiều chất liệu vải.

Ông luôn cố gắng tìm mẫu mã mới lạ trên mạng internet, kết hợp ý tưởng riêng cho ra mẫu vẽ sáng tạo, hài hòa màu sắc mà không bị trùng lắp với những mẫu vẽ trước đó. Không chỉ phái đẹp Cần Thơ, mà nhiều người ở các tỉnh ĐBSCL cũng tìm đến tiệm của ông để nhờ làm đẹp cho chiếc áo của mình.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, ở tỉnh Hậu Giang, đến nhận áo đặt vẽ nhận xét, ông Bảo ngồi vẽ hoài, tôi thấy thương lắm, mặc dù tật nguyền nhưng ông cố gắng tự mình làm để nuôi sống gia đình. Làm như vậy mà còn nuôi được con đi học Đại học, ra trường đi làm.

Với sự cố gắng không ngừng trong sáng tạo, những năm gần đây, trung bình mỗi ngày, khách gửi áo từ 5 – 8 mẫu, có cả đồng phục số lượng lớn. Tùy từng đường nét và độ khó, phức tạp của hoa văn, từng nét vẽ luôn được ông Bảo chăm chút tỉ mỉ và uyển chuyển, mềm mại. Có lúc đồ nhiều, ông thức cả đêm để vẽ cho kịp giao.

Dù theo nhu cầu khách hàng, ông Bảo nhận vẽ trên vải nhiều loại áo nhưng ông vẫn yêu thích nhất là vẽ trên vải áo dài. Theo ông, áo dài là trang phục truyền thống, mang một phần quốc hồn quốc túy của dân tộc, do vậy khi vẽ ông phải nghĩ kiểu cho thật đẹp, sao cho người mặc áo dài toát lên được cái hồn của nét vẽ và nét đặc trưng tiêu biểu của đất nước.

Nhiều khách hàng thích đặt ông Bảo vẽ trên vải áo dài và đều  rất ưng ý vì những họa tiết ảnh vẽ vừa đẹp, vừa sắc sảo, hài hòa, phù hợp với mọi lứa tuổi, lại như nâng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Mỗi mẫu vẽ có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, cho thu nhập ổn định, ông Bảo còn dạy nghề vẽ cho những người có cùng đam mê, trong đó có những người bị câm điếc. Nhiều người về quê mở tiệm vẽ cho thu nhập ổn định. Ông Trần Hùng Bảo trải lòng, bản thân không được trở thành nô lệ cho khuyết tật của mình, lúc nào cũng phải cố gắng vươn lên.Ông Bảo dự định, thời gian tới may một số áo dài, vẽ lên, ai cần thì bán lại, ai thuê thì cho thuê, cũng có một số áo cho cô dâu - chú rể.

Hơn 30 năm làm nghề vẽ, trải qua bao thăng trầm, biến cố nhưng không thể nào dập tắt ước mơ, hoài bão khát vọng vươn lên của người họa sĩ tài hoa giàu ý chí Trần Hùng Bảo. Những bông hoa nở đầy màu sắc, những chú chim nhảy nhót trên cành, những bông sen hồng tươi thắm… được vẽ từ hai ngón tay giả đầy diệu kỳ trên nền vải sẽ là hình ảnh đẹp, tô điểm cho cuộc sống đầy sắc màu và ý nghĩa hơn./.

Một số hình ảnh về người họa sĩ khuyết tật tài năng:

 

Nguyễn Đắc Hồng Phương/VOV ĐB Sông Cửu Long  

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC