Tình yêu và đam mê với tiếng cồng tiếng chiêng như đã ngấm sâu vào máu thịt của nghệ nhân Cil Ha Ôn từ thuở nhỏ.
Ông kể, lúc bé ông thường xuyên theo bố mẹ tham gia các lễ hội như: Mừng lúa mới, cúng thần Núi, thần Sông trước khi khai nương làm rẫy cầu cho mùa màng bội thu. Lớn lên, ông cũng thường xuyên được theo các già làng, trưởng bản đi đánh chiêng ở nhiều khu vực trong tỉnh như Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh…
Và bây giờ, dù đã ở tuổi 90 nhưng nhận thấy tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào mình có nguy cơ bị mai một, nghệ nhân Cil Ha Ôn cùng một số nghệ nhân khác trên địa bàn vẫn tiếp tục kiên trì, tích cực vận động con, cháu dòng họ và bà con trong buôn làng cùng tham gia lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đồng thời mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho con cháu.
“Tôi rất muốn truyền dạy lại cách đánh chiêng cho các thế hệ trẻ để truyền thống văn hoá cuả ông bà mình còn lưu truyền mãi đến đời sau. Tôi cũng hay dẫn các đội chiêng, trong đó có đội chiêng trẻ đi đánh ở các dịp như đám hỏi, khi điạ phương có yêu câu, thì tôi luôn gọi các lớp trẻ mà tôi đã dạy đó cùng đi đánh chung”. - Nghệ nhân Cil Ha Ôn, nói.
Lớp truyền dạy cồng chiêng gần đây nhất mà nghệ nhân Cil Ha Ôn tham gia được tổ chức tại xã Đạ Sar với 30 học viên là nam, nữ đoàn viên, thanh niên người dân tộc K’ho có độ tuổi từ 15 đến 30 đến từ các thôn, buôn trên địa bàn xã.
Lớp học này thuộc khuôn khổ của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với huyện Lạc Dương tổ chức. Các học viên tham gia được truyền dạy về kỹ thuật đánh và diễn tấu cồng chiêng, phong cách trình diễn, cách sử dụng chiêng đúng tiết tấu. Sau khi học xong, các học viên đều đạt yêu cầu biết đánh chiêng thành thạo và diễn tấu được ít nhất từ 2 đến 3 bài chiêng cơ bản như: mừng khách đến chơi nhà, mừng lúa mới, mừng năm mới…
Ông Cil Ha Ôn không nhớ đây đã là lớp học bao nhiêu mà mình tham gia truyền dạy cồng chiêng, chỉ hy vọng qua đó góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong gìn giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Nhưng để phát huy được giá trị văn hóa truyền thống này, rất cần sự chung sức đồng lòng của cả cộng đồng.
Theo ông Kra Jăn Ha Nrang, cán bộ văn hóa xã Đạ Sar, từ sự chỉ dạy của nghệ nhân Cil Ha Ôn và một số nghệ nhân khác trên địa bàn, nhiều thanh niên trong xã đã có thể đánh tất cả các bài chiêng của dân tộc mình.
Đến nay, xã Đạ Sar đã thành lập được Đội cồng chiêng chuyên nghiệp, thường xuyên tham gia diễn tấu cồng chiêng trong các sự kiện do địa phương tổ chức. Đây không chỉ là niềm tự hào đối với các nghệ nhân mà còn là niềm vui của xã khi không để văn hóa cồng chiêng bị mai một.
“Ở đây không ai biết gì về cồng chiêng, nghệ nhân nghệ nhân Cil Ha Ôn rất nhiệt tình khi chính quyền địa phương yêu cầu đứng lớp truyền dạy cồng chiêng cho con cháu thì ông nhiệt tình tham gia ngay. Đến nay, ông vẫn tích cực tham gia lưu truyền, hướng dẫn lớp trẻ đánh sao cho đúng với bài chiêng của người K’ho mình”. - Ông Kra Jăn Ha Nrang cho biết thêm.
Cùng với Đội cồng chiêng xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương còn có 5 đội cồng chiêng khác và gần 15 nhóm cồng chiêng quy mô hộ gia đình rải rác ở thị trấn Lạc Dương và các khu du lịch: LangBiang, Làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Những đội – nhóm cồng chiêng này chủ yếu phục vụ khách du lịch đến giao lưu. Điều đáng nói, phần lớn những thành viên của nhóm – đội cồng chiêng này đều có sự tận tình truyền dạy từ nghệ nhân Cil Ha Ôn.
Viết bình luận